Sau khi cơ quan chức năng của huyện Tam Bình - tỉnh Vĩnh Long tiến hành xác minh các trường hợp cán bộ tư pháp xã bị ngọng nên khai sinh ra họ mới cho dân, phát hiện có tới 1.094 trường hợp cấp giấy khai sinh sai họ ở địa phương này.
Cụ thể, các trường hợp sai họ là do lỗi đánh máy của cán bộ tư pháp, từ dấu "ngã" thành dấu "hỏi" trong giấy khai sinh, chủ yếu tập trung ở xã Phú Thịnh.
Trong đó, có 31 trường hợp sai họ "Vỏ", 9 trường hợp sai họ "Đổ", còn lại tất cả là sai họ "Nguyển". Hiện ngành tư pháp đã cải chính được 48 trường hợp, công việc cải chính sai sót vẫn đang được tiến hành.
Trước đó, ngày 4/9, có thông tin phản ánh, nhiều hộ dân ở xã Phú Thịnh "dở khóc, dở cười" chạy lo điều chỉnh giấy tờ cho con đi làm, đi học, bởi hơn 10 năm trước, giấy khai sinh của con em họ đã bị cán bộ tư pháp xã viết sai chính tả.

|
Ông Bùi Văn Võ bức xúc trước việc giấy khai sinh của đứa cháu ghi Nguyển Thanh Ngân |
Trong xã, có đến hàng nghìn người mang họ Nguyễn. Trong khoảng 10 năm gần đây, rất nhiều người bị mang họ "Nguyển" do cán bộ xã cấp giấy khai sinh viết sai chính tả.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch xã Phú Thịnh cho biết, ông Nguyễn Hòa Khởi vào làm cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã Phú Thịnh từ năm 1994 cho đến năm 2005. Trong công việc ông luôn hoàn thành tốt, không gây phiền hà gì đến ai. Cho đến khi những người dân họ Nguyễn bắt đầu thấy sự phiền hà khi có việc dùng đến giấy khai sinh.
Trong suốt hơn 10 năm làm việc ở xã, mỗi lần khai sinh cho một đứa trẻ mang họ Nguyễn ông đều viết sai họ, từ Nguyễn trở thành Nguyển. Những đứa trẻ ra đời từ năm 1994, vào thời điểm ông Khởi nhậm chức, có cha họ Nguyễn thì hầu hết đều bị ông Khởi làm giấy khai sinh sai.
Điều đáng nói ở đây là chỉ có giấy khai sinh của những người họ Nguyễn viết sai thành Nguyển, trong khi sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân thì lại viết đúng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học ĐH KHXH&NV cho rằng đây là một hiện tượng đáng lo ngại. Đáng lo ngại hơn cả, vấn nạn này cũng không chỉ giới hạn ở các nhóm có học vấn thấp mà cả ở nhóm có học vấn cao, thậm chí cả những người làm công tác giáo dục.
"Nếu cứ để hiện tượng này tiếp tục phát triển, lan rộng một cách tự nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho tiếng Việt như phá vỡ các chuẩn phát âm và chính tả, cản trở quá trình giao tiếp..." -PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn trăn trở. |
An Nhiên (Tổng hợp TNO, ĐVO)