Những ngày ở Thăng Long bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở Kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng...
Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị vua nào lên ngôi vua hai lần và có đến bốn bà vợ là người ngoại quốc như vua Lê Thần Tông. Đặc biệt trong đó có một bà vợ là người Hà Lan, đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là người châu Âu.
4 bà vợ ngoại quốc
Vua Lê Thần Tông tên húy là Duy Kỳ. Theo nhà nghiên cứu sử học Lê Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch Hội sử học Thanh Hóa, bà vợ đầu tiên của Vua Lê Thần Tông là bà Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (mẹ vua Lê Huyền Tông).
Trong số các bà vợ ngoại quốc, có một bà là con gái của phó toàn quyền Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà được gặp Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Nghe theo lời cha, bà nhận lời ở lại Việt Nam làm Vương phi của vua Lê Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở Kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng, bà đã cố gắng học tiếng để có thể giao tiếp với mọi người. Bà là người châu Âu đầu tiên lấy một vị vua An Nam. Ba vợ nữa, một bà người Trung Quốc, một vợ người Chiêm Thành và một bà người Inđônêxia.
Vua Lê Huyền Tông (trị vì từ 1662 - 1671) vào cuối đời năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) đã cho xây ở núi Mật Sơn ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông, Hoàng hậu cùng các phi tần của ngài. Quần thể tượng vua, Lê Thần Tông và các hoàng phi là những tác phẩm điêu khắc cổ quý giá, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung của thế kỷ XVII. Ngôi chùa tọa lạc ngay dưới chân núi Kỳ Lân, thuộc phường Đông Vệ thành phố Thanh Hóa.
Vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX, nhà sử học Charles Robequin có viết cuốn Lê Thanh Hoa, nghiên cứu về lịch sử địa lý, phong tục, ngành nghề, dân cư, đặc sản của Thanh Hóa, trong sách có ghi Vua Lê Thần Tông là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người chân Âu. Vào đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán, đông nhất là ở kinh thành Thăng Long. Bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc, mà còn nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha... đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng.
Tượng vua Lê Thần Tông.
Vị vua nhiều kỷ lục
Vua Lê Thần Tông là con trưởng của vua Kính Tông. Mẹ là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ hai của Bình An Vương Trịnh Tùng). Vua sinh giờ Tỵ, ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607). Năm Kỷ Mùi (1619) ngày 2 tháng 6, vua 12 tuổi lên ngôi vua ở điện Cần Chính. Vua Lê Thần Tông ở ngôi vua 25 năm, đến năm Quý Mùi (1643), vua nhường ngôi cho con trai trưởng là Lê Duy Hựu, mới 13 tuổi (tức là Lê Chân Tông) còn vua lui về ở chùa Khán Sơn.
Sau khi lên ngôi vua, Lê Chân Tông tôn vua cha làm Thái Thượng Hoàng, mẹ làm Hoàng Thái Hậu. Lê Chân Tông làm vua được 6 năm, bị ốm chết, theo đề nghị của chúa Trịnh Tráng (Thanh Đô Vượng), Thượng hoàng Lê Thần Tông lại trở lại ngôi vua lần thứ hai 16 năm đến ngày 22 tháng 9 năm 1662, qua đời truyền ngôi cho con thứ là Lê Duy Vũ (tức Lê Huyền Tông) Lê Thần Tông thọ 56 tuổi.
Vua Lê Thần Tông có bốn con trai, sáu con gái và hai con nuôi. Một điều đặc biệt là cả bốn con trai này đều liên tiếp làm vua.
Vua Lê Thần Tông mất, táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Dương Lôi (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trong quá trình trị vì của Vua Lê Thần Tông, có được mối quan hệ rất tốt với các chúa Trịnh. Bản thân ông là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng. Trong số 6 cô con gái của ông đều được gả cho các con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa Vua - Chúa ổn định đã góp phần làm cho thời kỳ này tương đối ổn định, thái bình, thịnh trị. Sử gia Phan Huy Chú miêu tả: "Vua mũi cao, mắt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà Chúa một nhà hòa vui êm ấm, vua ung dung rũ áo chắp tay hưởng lộc lâu dài".
Cho đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, không có vị vua nào có những kỷ lục đặc biệt như vua Lê Thần Tông.
TM