Dường như khái niệm 'lạ' đang ngày càng trở nên quen thuộc với người Việt, từ sau khi ngành y tế mở đường, đã có hàng loạt các ngành khác ăn theo, để xảy ra những hiện tượng lạ và nghiễm nhiên xem đó là thành tích của ngành.
Y tế tự hào vì bệnh lạ
Năm 2012, người dân cả nước vô cùng lo lắng khi một căn bệnh lạ xuất hiện tại huyện miền núi Ba Tơ Tỉnh Quãng Ngãi, khiến cả ngành y bó tay không tìm ra được nguyên nhân vì sao người dân lại mắc bệnh. Hàng loạt tranh cãi xung quanh những giả thiết được đưa ra, nào là nhiễm độc nguồn nước, nhiễm độc chất hóa học từ chiến tranh rồi từ gạo mốc và cuối cùng chốt hạ là do gạo. Bộ Y tế chưa tìm ra tên bệnh, cũng chưa ai có thể gọi tên nên người ta bảo nhau tạm gọi là "bệnh lạ".

Khống chế được bệnh lạ là một trong những thành tựu tiêu biểu của ngành y tế.
Trong vòng 2 năm qua, đã có 24 người chết vì căn bệnh này. Và cho dù đến thời điểm tháng 3/2013, căn bệnh lạ lại bùng phát trở lại nhưng Bộ Y tế vẫn coi đây là “1 trong 10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012”.
Và đặc biệt là trong thời gian gần đây, bệnh lạ đã một lần nữa quay trở lại khi xuất hiện tại 2 xã Ya Chim và Đăk Năng (TP.Kon Tum) với 87 người mắc bệnh, gây xôn xao dư luận.
Vấn đề đáng quan tâm là dù được ngành y tế gọi chung là bệnh lạ nhưng căn bệnh ấy xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương, mỗi nơi bệnh lại có biểu hiện, triệu chứng khác nhau. Triệu chứng bệnh lạ ở Kon Tum vừa qua là sốt, vàng da, vàng mắt, còn ở Quảng Ngãi là sừng bàn tay, bàn chân rồi dẫn đến tăng men gan, thiếu máu.
Vậy là đến đây, khái niệm bệnh lạ càng rộng hơn. Trong y văn thế giới có lẽ không nơi nào người ta có một bệnh được hội chẩn với tên "bệnh lạ" như ở Việt Nam. Ấy vậy mà nó vẫn đường hoàng góp mặt trong 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012.
Giao thông, giáo dục cũng theo trào lưu "ham của lạ"
Tuy nhiên, có vẻ như khái niệm 'lạ' đang ngày càng trở nên quen thuộc với người Việt, từ sau khi ngành y tế mở đường, đã có hàng loạt các ngành khác ăn theo, để xảy ra những hiện tượng lạ và nghiễm nhiên xem đó là thành tích của ngành.
Có mặt đầu tiên trong danh sách 'thành tích lạ lùng' chắc chắn phải có ngành giao thông với việc gia tăng đột ngột số vụ cũng như số người tử vong do tai nạn trong tháng 6 và đầu tháng 7. Nói cách khác, vấn đề của ngành giao thông là các vụ tai nạn lạ với tình trạng thực tế vô cùng lạ.
Như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trình bày trong cuộc họp khẩn của Bộ Giao thông vận tải trước tình trạng tai nạn giao thông tăng đột biến, sau khi nghe các cục, vụ liên quan đã báo cáo và khẳng định mọi thứ vẫn đúng quy trình, cuối cùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra kết luận như một câu hỏi không lời đáp: “Tất cả đúng hết mà tai nạn vẫn xảy ra, chúng ta không thể thờ ơ trước những gì đang diễn ra”.

Lớp học "lạ" trong trường công cũng cố thể xem là nét đặc biệt và thành tựu đáng kể của GDVN
Quả thật, khó ai có thể tưởng tượng nổi hiện tượng mọi quy trình đều đúng mà tai nạn thảm khốc vẫn xảy ra, thế mới lạ lùng chứ. Và biết đâu đấy, đến cuối năm tổng kết, hiện tượng lạ lùng này cũng vinh dự được góp mặt trong danh sách các thành tựu nổi bật của ngành giao thông. Thế mới biết bao giờ của lạ cũng có sự hấp dẫn riêng.
Ngành giáo dục thì tất nhiên cũng chẳng thiếu chuyện lạ như hiện tượng xuất hiện lớp VIP trong trường công. Hẳn nhiều người sẽ tự hỏi, các lớp học được đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy thì có gì là lạ nhỉ? Tất nhiên là có chứ, điều đặc biệt chỉ đơn giản là vì mô hình lớp học trong trường công này chỉ dành riêng cho con nhà giàu và tạo nên sự phân hóa sâu sắc ở các trường công lập.
Dư luận có nhiều phản ứng trái chiều về hiện tượng giáo dục mới này. Không ít người bày tỏ sự phản đối với mô hình lớp học tương tác, bởi như vậy sẽ là bất bình đẳng trong giáo dục ngay trong trường công lập, thậm chí là phản cảm, phản giáo dục.
Rõ ràng, việc đầu tư cho con em được học trong môi trường cơ sở vật chất tốt nhất là điều cần thiết và đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lợi nhất. Tuy nhiên, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng vào một lớp học ở trường công như thế này lại là câu chuyện khác. Nếu có điều kiện thì có thể cho con học tại các trường tư thục, trường quốc tế với điều kiện tốt nhất có thể thay vì "tư thục hóa trường công" như vậy.
Và với những trẻ “lỡ” sinh ra ở gia đình không được khá giả lắm, việc học tập tại những lớp VIP sẽ vô tình dạy cho trẻ phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, ích kỷ và dễ mang tinh chất phản giáo dục – đặc biệt ở các trường công lập. Và cũng chính vì tính chất đặc biệt ấy, lớp lạ hoàn toàn có thể là thành tựu tiêu biểu của GDVN.
Nếu có một chương trình xem xét, khen thưởng thi đua trong các ban ngành của cả nước, ngành y tế hoàn toàn xứng đáng nhận được bằng khen vì đã mạnh dạn, đi đầu tạo ra trào lưu 'lạ lùng' và giao thông, y tế thì xứng đáng với lời khen ngợi những ngành thời thượng luôn biết nắm bắt xu hướng và chạy theo trào lưu.
Nói gì thì nói, qua hiện tượng hàng loạt các ban ngành thi nhau 'khoe của lạ' vừa qua, người dân nước ta mới có cơ hội vỡ lẽ ra một điều, các ban ngành trong nước không hề chậm chạp, ỳ ạch nếu không muốn nói là 'thời thượng' đến bất ngờ.
Nguồn: An Khanh/ĐVO