Quay sang tình hình tại Pháp, tuần báo L’Express có bài điều tra về vấn đề tiêu dùng tại đây với tiêu đề khá hài hước: 'Đừng gọi tôi là 'Made in France' nữa' . Bức ảnh quảng bá cho hàng hóa của Pháp của Bộ trưởng Bộ Chấn hưng sản xuất, Arnaud Montebourg, đã gây không ít ý kiến trái ngược nhau. Chính vì thế, báo chí cũng đặt cho ông tên mới 'Bộ trưởng 'Made in France'. Song, một điều hiển nhiên là các doanh nghiệp Pháp đang tận dụng chiêu bài 'sản xuất tại Pháp' để chinh phục lại thị trường.

"Vous êtes les hussards du Made in France" a déclaré Arnaud Montebourg à ses 22 commissaires du Redressement productif reçus à Bercy le 8 mars. Reuters
|
Thời gian gần đây, người tiêu dùng Pháp quay lại xu hướng dùng hàng sản xuất tại Pháp, vì điều này đồng nghĩa với tính độc đáo của mặt hàng, chất lượng cao, cũng như tạo thêm việc làm mới và gây dựng lại nền công nghiệp trong thời kì khủng hoảng. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại có những chiến lược gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, mà thậm chí là 'nói dối'.
Tác giả cuộc điều tra khẳng định, Trung Quốc, cũng như các nước công xưởng của thế giới, vẫn là nhà sản xuất bí mật cho nhãn hiệu 'xanh dương-trắng-đỏ'. Chính vì thế, người tiêu dùng Pháp mua phải 'hàng sản xuất bởi nước Pháp' thay vì 'hàng sản xuất tại Pháp'.
Ví dụ, 'France Espadrille', mác giầy bện thừng với tên 100% Pháp, nhưng đa phần được sản xuất tại Bangladesh. 'Cristal de Paris' là mác của một nhà sản xuất đồ thủy tinh luôn ca ngợi 'bí quyết sản xuất tại Pháp' của mình, nhưng phần lớn lọ hoa hay ly cốc đều được sản xuất tại Châu Á hoặc Đông Âu. Cụm từ 'sản xuất tại Pháp' cũng là một khái niệm tù mù vì thành phần bên trong có thể tới từ nhiều nước khác nhau.
Edouard Berreiro, một nhà kinh tế chuyên về công nghiệp, thất vọng cho biết : 'Người ta đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta phải tái tạo nền công nghiệp trước đã, sau đó mới cung cấp các nhãn hiệu (ví dụ 'Bảo đảm nguồn gốc từ Pháp' hay 'Nhãn hiệu Pháp') cho những người có khả năng nắm bắt toàn bộ hệ thống sản xuất'. Bộ trưởng Arnaud Montebourg thì cho rằng : 'Điều quan trọng là phải giành lại cuộc chiến văn hóa'. Trong khi đó, tác giả bài báo lo lắng: 'Liệu không phải là quá muộn rồi sao?'
Thu Hằng, rfi