Các vấn đề nổi cộm như Bắc Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông chắc chắn sẽ được đề cập, Khúc Tinh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho biết.

Hình minh họa
Hôm nay 10/7 Mỹ và Trung Quốc bắt đầu khai mạc kỳ đối thoại chiến lược - kinh tế thường niên tại Washington, kỳ đối thoại đầu tiên sau khi Trung Quốc thay đổi bộ máy lãnh đạo mới.
Đối thoại chiến lược, kinh tế Mỹ - Trung lần này được cho là nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận và nhận thức chung đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức giữa Obama và Tập Cận Bình tại California hồi tháng trước, phía Trung Quốc mong muốn xây dựng một trục quan hệ mới với Mỹ.
2 bên đã cử hơn 20 đại diện các bộ ngành tham gia đối thoại, phần đối thoại kinh tế sẽ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew và Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đồng chủ trì, đối thoại chiến lược do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng chủ tọa.
Về kinh tế, 2 bên tập trung vào 3 mục tiêu chính: Mở rộng hợp tác thương mại đầu tư, thúc đẩy sự phát triển mang tính kết cấu và bền vững, ổn định và cải cách thị trường tài chính.
Phần đối thoại chiến lược, phía Bắc Kinh cho hay 2 bên sẽ tập trung bàn thảo việc xây dựng mô hình trục quan hệ mới giữa 2 nước lớn, xúc tiến trao đổi lần đầu tiên giữa tổ an ninh mạng 2 phía, biến đối khí hậu, các sự vụ ở Nam Á và Mỹ - La tinh, hải quan...
Các vấn đề nổi cộm như Bắc Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông chắc chắn sẽ được đề cập, Khúc Tinh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho biết.
Ngay trước thềm đối thoại, hôm qua 9/7 Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã nói với đài CNN rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái BÌnh Dương "không tương xứng" với các mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Ông Khải nói rằng Mỹ không nên phản ứng "thái quá" với mối đe dọa và việc tăng cường các liên minh quân sự ở châu Á không hoàn toàn tương ứng với các mối đe dọa thực sự sẽ khiến mọi người trong khu vực có lý do để nghi ngờ ý định thực sự của Washington.
Nhận xét của Thôi Thiên Khải trước thềm đối thoại chiến lược, kinh tế Trung Mỹ cho thấy mức độ thất vọng của Bắc Kinh trong việc Mỹ điều chỉnh trục chiến lược sang châu Á sau những giảm thiểu can thiệp quân sự vào Trung Đông và Afghanistan.
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP, Sina)