Cách đây sáu năm, một thiếu niên 15 tuổi từ Quảng Bình được một đường dây đưa người lậu đưa tới một địa điểm của châu Âu, mà cậu nghĩ là Nga hoặc Ba Lan.
Từ đó, Huy tiếp tục hành trình đường bộ chui lủi suốt 10 tháng, với đích đến cuối cùng là nước Anh.
Huy nói cậu chấp nhận ra đi bởi "họ hứa đưa em sang Anh để tìm bố. Mẹ bảo bố rời đi khi em mới khoảng 5, 6 tuổi. Em không muốn đi nhưng mẹ bảo đi theo họ."
Từng bị cảnh sát Đức bắt giữ, Huy trốn thoát để tiếp tục chuyến đi, vượt phà từ Pháp cập cảng nước Anh, di chuyển từ nơi này tới nơi khác và rồi bị cảnh sát bắt tại một địa điểm trồng cần sa ở Anh.
Kể về khi bị bắt ở Đức, Huy nói: "Họ đưa em vào trại, nhưng được đi lại tự do. Những người đưa em đi trước đó đã dặn nếu bị cảnh sát bắt, khi được thả ra thì phải liên hệ với họ."
Hành trình trên bộ
Trong thời gian ở châu Âu lục địa, Huy được di chuyển bằng xe tải qua nhiều địa điểm khác nhau.
Tại mỗi điểm dừng chân, Huy cùng một nhóm nhiều người khác cùng độ tuổi bị nhốt chung trong các căn phòng, phải sống trong điều kiện "chật chội, khó thở, các cửa phòng đều đóng kín."
"Khi đến các nơi, họ nhốt chúng em trong phòng, không cho ra ngoài. Họ dặn không được nói to, không được đánh nhau hoặc đi ra ngoài, nếu không sẽ bị đánh."
Sau một tháng ở Pháp, cuối cùng Huy đã tới được Anh trên chuyến phà vào cảng Dover.
Một người trong nhóm của cậu đã gọi cho số điện thoại được đưa từ trước.
"Họ đưa điện thoại cho một ông lái xe taxi rồi nói chuyện gì đó. Sau đó ông ấy chở chúng em về London," Huy nói.
Tội phạm hay nạn nhân?
Các địa điểm trồng cần sa thường được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng cực mạnh
Huy bị di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, làm các công việc khác nhau như lau dọn trong nhà hoặc trông trẻ trong một thời gian, trước khi bị trao tay cho một người "nhờ em vào trông hộ căn nhà một vài tuần thay cho người đang ở trông nhà đó cần ra ngoài".
Căn nhà Huy được đưa tới là một trại trồng cần sa và đã bị cảnh sát bố ráp.
"Trong nhà có rất nhiều cây trồng trong các chậu, phía trên có đèn rất sáng. Khi mới bước vào, trong nhà có mùi rất nặng, rất khó chịu."
Huy nói: "Người chở em đến đó đưa cho em một chiếc điện thoại và dặn khi nào họ cần em làm việc gì, họ sẽ gọi và hướng dẫn cụ thể. Em mới ở đó được ba ngày thì bị cảnh sát bắt."
"Khi mới tới, em thấy lạ vì có cây trồng trong nhà. Em hỏi thì người đưa em tới bảo đó là việc của họ, không nên hỏi nhiều," Huy nói thêm.
Sau đó, cậu bị khóa trái cửa, ở một mình trong căn nhà với tủ lạnh để sẵn đồ ăn.
Cuộc bố ráp hồi giữa năm 2009 của cảnh sát khiến Huy bị bắt, bị ra tòa và bị kết án tù hai năm.
Sau đó một năm, Huy được thả và được chính quyền tỉnh Kent và Hội Hồng thập tự địa phương bảo trợ kể từ đó.
Cậu được chăm sóc và được tới trường.
Huy là một trong ba trường hợp sau đó được tòa phúc thẩm ở Anh Bấm tuyên trắng án, đảo ngược phán quyết sơ thẩm.
Tòa nói Huy chỉ là nạn nhân của các hành vi "buôn lậu thấp hèn” nhắm vào con người.
Tuy nhiên, về mặt dân sự, gần một năm nay, Huy không được tiếp tục đi học nữa, vì đơn xin tỵ nạn của cậu bị bác.
Sự bảo trợ của chính quyền địa phương cũng sẽ sớm chấm dứt, bởi Huy không còn là trẻ vị thành niên.
Huy nói, mẹ cậu đã mất sau ngày cậu rời Việt Nam, trong lúc tin tức về người cha đến nay vẫn chưa có. Và trước mắt Huy bây giờ đang là khả năng bị trục xuất về Việt Nam.
BBC