(GDVN) - Tướng Locklear đã không cam kết một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ chống lại Trung Quốc nếu sau này bị lôi vào một cuộc đối đầu bạo lực giữa Trung Quốc với bất kỳ nước láng giềng nào, bởi lẽ thật ra Mỹ không muốn hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Đô đốc Locklear
Tuần trước tại Bangkok, Thái Lan, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear tuyên bố Mỹ phản đối sự thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông - Trường Sa bằng vũ lực của bất cứ bên nào khi đề cập đến tình hình Biển Đông gần đây, sau động thái xâm nhập và hiện diện bất hợp pháp của tàu Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Nhưng cũng giống như các quan chức khác của Mỹ, tướng Locklear đã không cam kết một cách rõ ràng rằng Mỹ sẽ chống lại Trung Quốc nếu sau này bị lôi vào một cuộc đối đầu bạo lực giữa Trung Quốc với bất kỳ nước láng giềng nào, bởi lẽ thật ra Mỹ không muốn hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhà phân tích kỳ cựu người Philippines Ellen Tordesillas nói với tờ Malaya Business Insight, mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực của Trung Quốc nhưng nó sẽ không muốn trở thành kẻ thù của "người khổng lồ châu Á".
Đương nhiên Mỹ sẽ cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh giữa Philippines và Trung Quốc nếu nó xảy ra trên Biển Đông.
Trong vụ căng thẳng trên bãi cạn Scarborough năm ngoái, Nội các Philippines đã đồng ý phái 2 tàu thuộc cục Ngư nghiệp và Tài nguyên ra Scarborough canh chừng hoạt động của 3 tàu Hải giám và Ngư chính Trung Quốc.
Khi biết được điều này các quan chức quân đội Mỹ họ đã khuyên Nội các Philippines không nên làm điều này vì họ nhận thấy sự nguy hiểm của việc tàu công vụ 2 nước đối đầu ngoài bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.
Phía Trung Quốc khi đó luôn tuyên bố rằng họ sẽ không tấn công trừ khi bị tấn công, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ phản công nếu bị tấn công (ở khu vực Scarborough).
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Locklear cho rằng (Philippines) nên thỏa hiệp với Trung Quốc ở Biển Đông khi nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía nào trong các bên tranh chấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.
ASEAN đã thông qua các nội dung cơ bản được đề cập trong COC, vấn đề còn lại là làm thế nào để Trung Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán và bắt đầu trao đổi về COC.
Lauro Baja Jr, cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc cho rằng Manila cần phối hợp các cách tiếp cận toàn cầu, khu vực và song phương để giải quyết hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Hồng Thủy (Nguồn: Malaya Business Insight)