Hai năm sau khi kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân tấn công công trình dân sự Trung Quốc bị Chính phủ Mỹ khước từ, năm 1960, Lầu Năm Góc tiếp tục soạn kế hoạch đánh phá các cơ sở hạt nhân Trung Quốc.
Ngay từ cuối những năm 1950, Mỹ đã để mắt tới chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo dự đoán của các cơ quan tình báo Mỹ năm 1960, Trung Quốc sẽ xây dựng xong lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1961 và một năm sau là sản xuất được loại uranium có thể dùng để phân tách hạt nhân.
Tháng 1/1961, Tổng thống Mỹ khi đó là J. Kennedy đã chỉ thị cho Ủy ban an ninh quốc gia đứng ra điều phối việc nghiên cứu về mối uy hiếp hạt nhân Trung Quốc và những ảnh hưởng của nó đối với khu vực Đông Nam Á. Cũng từ năm 1961, Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay do thám U-2 và vệ tinh trinh sát tiến hành chụp ảnh khu vực Lan Châu - Bao Đầu của Trung Quốc, nơi Mỹ nghi ngờ Bắc Kinh cho đặt các căn cứ hạt nhân.
Tháng 12/1961, Mỹ có trong tay tấm ảnh vệ tinh đầu tiên chụp bãi thử nghiệm hạt nhân La Bố Bạc ở Tân Cương (Trung Quốc). Tháng 8/1963, các cơ quan tình báo Mỹ nhận định nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Trung Quốc được đặt ở Lan Châu và dự đoán Bắc Kinh sẽ cho tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên vào cuối năm 1964 hoặc đầu năm 1965.
Máy bay do thám U-2 của Mỹ đang làm nhiệm vụ.
Cùng với sự dầy lên của tập hồ sơ hạt nhân Trung Quốc, sự lo lắng của giới chức Washington cũng theo đó mà tăng lên. Họ cho rằng việc Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh Mỹ. Trước tiên, vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ tạo ra mối uy hiếp trực tiếp đối với quân Mỹ đóng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực này. Đồng thời, việc Bắc Kinh sở hữu thứ vũ khí hủy diệt khủng khiếp này cũng sẽ khiến một số nước châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cảm thấy bất an mà đi theo con đường phát triển hạt nhân.
Cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực rất lớn, làm cho một số nước châu Á - Thái Bình Dương trở nên xa rời Mỹ, chuyển sang thân Trung Quốc, nước lớn gần hơn về mặt địa lý.
Trung Quốc đang lắp đặt các thiết bị thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất.
Cũng cần phải biết thêm rằng, đầu những năm 1960, mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc đã bộc lộ rõ ràng. Do đó, cuối năm 1962, chính quyền Kennedy đã phải cho đánh giá lại toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Phần lớn quan chức Mỹ lúc đó cho rằng Liên Xô và Trung Quốc vẫn giữ thái độ thù địch đối với Mỹ và phương Tây và sự thật này sẽ không có sự thay đổi căn bản kể cả khi giữa Liên Xô và Trung Quốc tồn tại sự phân liệt sâu sắc.
Cùng với một loạt sự kiện xảy ra trong năm 1962 và những năm sau đó như cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba, xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bắc Kinh ủng hộ chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, sự thù địch đối với Trung Quốc trong chính quyền Kennedy càng tăng. Điều đó làm cho các nhà vạch quyết sách của Mỹ tin tưởng chắc chắn rằng Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa ngày càng trực tiếp và nguy hiểm đối với Mỹ.
Sự lo lắng ấy của Mỹ được thể hiện đầy đủ trong câu trả lời phỏng vấn tờ Thời báo New York của Tổng thống Kennedy: "Trung Quốc sẽ có bom nguyên tử. Một khi Trung Quốc có bom nguyên tử, toàn bộ Đông Nam Á sẽ nằm trong tay Trung Quốc". Do đó, việc Mỹ lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Giống như hiện nay chính quyền Bush đang dốc toàn lực ngăn chặn Iran trở thành quốc gia hạt nhân mà lý do cũng không ngoài việc chống lại sự uy hiếp của Teheran đối với quân Mỹ và đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh.
Còn tiếp!
Theo Báo Tin Tức