BẮC KINH (WSJ) - Số người cao niên ở Trung Quốc thuộc thành phần nghèo, sức khỏe yếu kém và trong tình trạng trầm cảm đang ngày càng tăng cao, theo một cuộc thăm dò những người trên 60 tuổi.

Hai cụ ông ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Nước này hiện đang có 185 triệu người cao niên. (Hình: MARK RALSTON/AFP/Getty Images)
Điều này cho thấy đây là thử thách lớn lao cho Bắc Kinh và là mối đe dọa về lâu về dài cho nền kinh tế Trung Quốc.
Cuộc thăm dò về tình trạng sống của 185 triệu người cao niên tại Trung Quốc cho thấy một hình ảnh đen tối dù rằng nhà nước cũng có nỗ lực nhằm có được một “xã hội hài hòa”, chú trọng đến an sinh xã hội thay vì chỉ nhắm vào phát triển kinh tế.
Trong thế hệ những người từng góp phần xây dựng sự phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian qua, có tới 22.9%, tức khoảng 42.4 triệu người, nay sống trong hoàn cảnh nghèo khó với khả năng chi tiêu chưa tới được 3,200 yuan (chừng $522) mỗi năm.
Nỗi lo sợ già nua và nghèo đói, vốn khiến nhiều người dân phải giành giụm tiền bạc, cũng ngăn trở một nỗ lực khác của chính quyền Bắc Kinh là cân đối nền kinh tế qua việc hình thành thị trường tiêu thụ nội địa.
John Strauss, một giáo sư tại đại học University of Southern California (USC) và một trong những người điều hành cuộc nghiên cứu, nói rằng đây là vì Trung Quốc vẫn còn trong tình trạng đang phát triển. “Chúng ta cần phải nhớ rằng Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển, chưa là quốc gia có lợi tức trung bình cao.”
(V.Giang/Người Việt)