- Ngày 24/5, chiếc tàu cá QNg 90917 vẫn còn nằm nghiêng tơi tả trên cảng Sa Cần (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) sau khi bị tàu sắt Trung Quốc đâm đến 3 lần liên tiếp trên đường từ biển Hoàng Sa trở về. (Ảnh: LĐ, TTO)
Chiếc tàu cá QNg 90917 trở về sau 3 lần bị tàu cá Trung Quốc đâm liên tiếp
Hai anh em ngư dân Trần Văn Quang (SN 1974) - chủ tàu và Trần Văn Trung (SN 1976, cùng ở xã Bình Thạnh)- thuyền trưởng tàu cá QNg 90917 phẫn nộ kể lại. Tàu QNg 90917 xuất bến Sa Cần ngày 30/4, trên tàu có 15 ngư dân, kể cả anh em ông Quang-Trung. Đến ngày 19/5 quay về thì gặp tàu cá Trung Quốc, có trang bị cả súng, đuổi theo ngăn cản không cho về đất liền. Khoảng 17h15 chiều 20/5, khi tàu cá chạy về đến tọa độ 15 độ 21 phút vĩ bắc, 111 độ 18 phút kinh đông, trên vùng biển Việt Nam, thì xuất hiện 2 tàu, trong đó 1 tàu có súng và 1 tàu sắt sơn màu cam, ập đến.

Ông Quang kể: “Sau một lúc đuổi theo, tàu sắt màu cam từ phía sau tông thẳng vào mạn phải tàu mình, làm bể be tàu và gãy một mũi neo bằng sắt ghim luôn vào mạn tàu. Rồi tàu sắt lại tông lần nữa vào mạn phải phía cabin, làm gãy thêm be tàu mình. Sau đó tàu mình dừng hẳn lại, anh em bất chấp tính mạng, chạy ra khoang giơ tay lên trời la to, nhưng nó vẫn không tha, lấy đà tông tiếp một phát nữa và phía sau lái bên mạng phải, làm gãy luôn 4 cây trụ đà.
Chúng cho tàu có vũ trang bỏ đi rồi mới tông tàu mình liên tiếp, vỏ sắt, mũi sắt tàu đâm tàu gỗ mình tơi tả, bể cả thân tàu, nước vào khoang, tàu mình xoay nghiêng sắp chìm, trong khi lại có đến mười mấy chiếc tàu Trung Quốc khác bao quanh để quay phim chụp ảnh. May mà thuyền trưởng Trung ghì chặt tay lái, tìm cách né cho nhẹ bớt đòn, anh em thì ai cũng ôm chặt lấy các trụ tàu, nếu không thì cũng bị hất văng xuống biển mất mạng”.
Ông Phan Đình Lên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng qua, có đến 5 trường hợp tàu cá của xã đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc, kể cả tàu hải quân có vũ trang ngăn cản, có hành vi gây thiệt hại tài sản. Đặc biệt, có trường hợp tàu cá QNg 55535 của ông Trần Tư cùng 8 ngư dân bị tàu hải quân Trung Quốc đuổi theo, dùng pháo sáng bắn cháy cabin, kính tàu ngày 6/2.
Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.
Khi bị truy đuổi, thuyền trưởng Bùi Văn Phải (25 tuổi) cho tàu gầm lên đua với tàu Trung Quốc. Khi bị tàu tuần tra Trung Quốc đuổi theo, các ngư dân nghe 5 phát súng nổ. Tiếp đến là ngọn lửa trùm lên cabin. Anh Phạm Quang Thạnh, 33 tuổi – người thay phiên chỉ huy tàu cùng với Bùi Văn Phải, thấy khói lửa bốc lên từ phía sau rồi bén vào khoang lái liền hô lớn để anh em chạy ra cứu hỏa. Khi ấy trên nóc cabin có 4 bình gas để nấu ăn, trong đó 2 bình còn đầy gas.
Bất chấp ngọn lửa đang cháy bùng trên kèo gỗ, anh Thạnh và thuyền trưởng Phải nhảy vào lửa dội nước, lôi đồ đạc ra ngoài. Anh em bên dưới tiếp nước biển lên. Trong khói lửa, thuyền trưởng Bùi Văn Phải cuộn lấy lá cờ Tổ quốc ở nóc cabin vào ngực để không bị cháy. Dập tắt được lửa, tay chân anh Phải và anh Thạnh cháy sém. Còn lá cờ chỉ bị thủng vài lỗ nhỏ và ngay sau đó được Phải cắm lên nóc cabin!
Trở về sau hành trình đầy rủi ro, nhưng nhưng ngư dân quả cảm vẫn kiên quyết bám biển, giữ chủ quyền. “Anh em chúng tôi bàn tính nhau rồi, sẽ góp sức góp của mỗi người một ít với hy vọng sớm sửa chữa tàu thuyền, khi có đủ kinh phí lại ra khơi. Quyết không bỏ Hoàng Sa, Trường Sa” – anh Thạnh quả quyết.
Trong khi đó, sau nhiều lần lùa ngư dân cùng tàu hải giám ra Biển Đông, ngày 10/3, Cục Ngư nghiệp Nam Hải thuộc Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc cho hay nước này đã tiến hành các chuyến tuần tra ngư chính thường kỳ tại vùng Biển Đông với lý do là "đảm bảo an toàn và các lợi ích hợp pháp của ngư dân Trung Quốc."
Tổng cộng 21 tàu ngư chính cỡ vừa và lớn của Trung Quốc cùng hơn 3.000 nhân sự đã ào ạt tiến ra Biển Đông và xâm phạm vào các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cũng trong ngày 10/3, Tân Hoa xã loan tin đội tàu hải giám gồm 3 chiếc mang số hiệu 83, 262, và 263 rời cảng ở thành phố Tam Sa để cùng với trực thăng Hải giám B-7103 tuần tra khu vực này trong 9 ngày. Đội tuần tra có nhiệm vụ đi tuần 10 đảo và bãi đá vào hôm qua và các nhân viên công lực sẽ đổ bộ lên đảo Cây và đảo Bắc thuộc Hoàng Sa.
Giới hữu trách Trung Quốc cho hay đội này sẽ thực hiện các cuộc tuần tra và giám sát định kỳ bao gồm các nhiệm vụ quản lý không gian hàng hải và sinh thái biển cũng như bảo vệ đảo. Đây là lần đầu tiên trực thăng và tàu hải giám Trung Quốc tiến hành cuộc tuần tra phối hợp xung quanh quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa hối tháng 7 năm ngoái để quản lý nhóm 3 quần đảo ở Biển Đông bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
theo đv