- Trung Quốc lập trạm nhận thông tin về biển Đông, không kiềm chế ở Biển Đông, TQ sẽ mất danh dự và địa vị, Tập Cận Bình nhận thư Kim Jong-un, Triều Tiên cần hòa bình làm kinh tế...là tin tức thời sự chính ngày 25/5.
Viện Khoa học xã hội Trung Quốc hôm 24/5 đã đưa vào sử dụng một trạm nhận dữ liệu từ vệ tinh, cho phép nước này nhận thông tin quan sát về biển Đông, theo Tân Hoa xã. Trạm, được lập ở thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, gồm có hai hệ thống truyền và nhận dữ liệu, lấy thông tin từ hơn 10 vệ tinh.(Ảnh minh hoạ)
Với trạm này, Trung Quốc được cho là có thể lấy dữ liệu qua vệ tinh về các vùng biển phía nam mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Trạm nhận dữ liệu ở Tam Á còn có một trumg tâm để thực hiện cái gọi là nghiên cứu về giám sát thiên tai, khoa học biển và môi trường. (Ảnh minh hoạ)
Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 24/5 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng việc Trung Quốc xử lý tranh chấp lãnh thổ ra sao sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của các nước đối với Trung Quốc, ông cho rằng Trung Quốc "cần phải kiềm chế" mới mong các nước bớt lo ngại về Bắc Kinh. Phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long được đưa ra trong hội thảo quốc tế Tương lai Châu Á do tờ Sankei Nhật Bản tổ chức trong khuôn khổ chuyến công du Tokyo của ông ngày 23/5.
CNA tổng hợp tin tức từ giới truyền thông Singapore cho biết, đối với tranh châp Trung - Nhật ở Biển Hoa Đông cũng như tranh chấp chủ quyền Biển Đông - Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, việc Trung Quốc xử lý như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Kinh. "Trung Quốc có thể kiếm được cái gì đó ở Senkaku hoặc Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ mất đi danh dự cũng như địa vị của mình trong mắt cộng đồng quốc tế, những điều này Bắc Kinh cần cân nhắc kỹ càng." Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 25/5 cho hay Đài Loan khó tuyển quân đồn trú (trái phép) Ba Bình, Trường Sa do Mã Anh Cửu chủ trương không phái Thủy quân lục chiến ra thay thế lực lượng Cảnh sát biển đồn trú (trái phép) đảo Ba Bình (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng trái phép), và hiện Cảnh sát biển Đài Loan đang rất khó tuyển "tình nguyện viên" ra thay thế lực lượng này sắp hết hạn hoạt động vào tháng 7 tới.
Đài Loan đã quyết định bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 2014, thay vào đó là thực hiện hệ thống dịch vụ quân sự, tức thanh niên đi lính là do hoàn toàn tình nguyện và được trả tiền. Chính vì điều này, đến nay Cảnh sát biển Đài Loan vẫn chưa tuyển thêm được "tình nguyện viên" nào để điều động ra Ba Bình, Trường Sa đồn trú (trái phép) trong khi tháng 7 tới một nhóm sĩ quan, binh lính Cảnh sát biển Đài Loan hết thời hạn đồn trú (trái phép) tại đảo Ba Bình.
Hiện tại giới chức Đài Loan đang đề nghị tăng lương, trợ cấp cho lính Cảnh sát biển đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình từ 12,360 Đài tệ lên 20 ngàn Đài tệ, nếu được phê duyệt 1 trung úy Cảnh sát biển Đài Loan chịu đi Ba Bình (trái phép) có thể kiếm được gần 66 ngàn Đài tệ, tương đương 2,2 ngàn USD một tháng. Đài Loan đang duy trì khoảng trên 100 lính Cảnh sát biển đồn trú trái phép đảo Ba Bình, đồng thời trang bị trái phép nhiều vũ khí hiện đại.
Tờ Manila Standard Today ngày 25/5 cho biết, Hải quân Philippines đã điều thêm hai tàu đến bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Manila chiếm đóng phi pháp trước sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại đây.
Hôm 23/5, Thái Lan đã kêu gọi các Bộ trưởng ASEAN nhóm họp vào tháng 8 để củng cố quan điểm chung về Biển Đông trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9. Rõ ràng, vấn đề Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, nhất là khi Trung Quốc dù luôn tuyên bố ủng hộ hòa bình trên Biển Đông, nhưng lại thường xuyên có những hành động đi ngược lại với lợi ích của các quốc gia láng giềng có cùng tranh chấp.
Trả lời phỏng vấn hãng Kyodo News hôm 23/5, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết, Thái Lan đang kêu gọi các nước ASEAN nhóm họp cấp Bộ trưởng để thống nhất quan điểm chung về Biển Đông trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới
Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 24/5 đưa tin, hôm qua 24/5 tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đã tiếp đặc phái viên Bắc Triều Tiên, Phó nguyên soái Choe Ryong-hae và nhận thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong buổi tiếp, Tập Cận Bình nhấn mạnh với đặc sứ Bình Nhưỡng, dù cục diện có thay đổi ra sao cũng nên kiên trì mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Choe Ryong-hae cho biết Bình Nhưỡng hy vòng tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân.
Bắc Triều Tiên cũng cho biết sẵn sàng "nghe theo lời khuyên của Trung Quốc" quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa Phó nguyên soái Choe Ryong-hae với Phạm Trường Long, Thượng tướng, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, đặc sứ của Kim Jong-un cho hay tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á hiện nay khá phức tạp và đặc biệt, không có sự đảm bảo cho hòa bình.
Trong khi đó, Yonhap ngày 25/5 đưa tin, Hàn Quốc đang hoài nghi về đề nghị của quan chức đại diện cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un "đi sứ" Trung Quốc rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng quay trở lại đàm phán 6 bên. "Tuy nhiên không giống như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã không nói từ nào liên quan đến phi hạt nhân hóa", một quan chức cao cấp Hàn Quốc cho biết, như vậy còn quá sớm để tin vào tính trung thực của ý định quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từ Bình Nhưỡng.
Press TV ngày 24/5 đưa tin cho biết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng nói rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại chương trình hạt nhân của Iran đã không đạt hiệu quả. Trước cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh William Hague tại Al-Quds (Jarusalem) hôm 23/5, ông Netanyahu đã lên tiếng cho rằng, "rõ ràng" các áp lực kinh tế và ngoại giao đã không thể ảnh hưởng tới chương trình hạt nhân của Iran.
"Cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại", nhà nghiên cứu người Mỹ nổi tiếng Noam Chomsky cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và người tiện nhiệm của ông - George W. Bush cùng với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) về cuộc xâm lược Iraq năm 2003 và cuộc khủng hoảng tiếp theo trong các quốc gia Ả rập. "Bush và Blair phải lên đó (Tòa án Hình sự Quốc tế). Không có tội ác nào gần đây tồi tệ hơn cuộc xâm lược Iraq. Obama phải có mặt ở đó vì cuộc chiến chống khủng bố" - ông Chomsky nói với kênh Russia Today trong cuộc phỏng vấn hôm 23/5.
(Tổng hợp từ TNO, GDVN, ANTĐ)