Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.500 tỷ USD vì các thảm họa tự nhiên kể từ năm 2000 đến nay, cao hơn 50% so với các ước tính trước đó của cộng đồng quốc tế.

Các thảm họa tự nhiên đã tác động xấu tới đời sống của con người và gây tổn thất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: AP
Theo những cảnh báo từ Phòng Giảm rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc, các tai họa tự nhiên như lũ lụt, động đất, hạn hán... còn gây tổn thất lớn hơn nữa, trừ khi các doanh nghiệp có hành động nhằm hạn chế những tác động mà họ gây ra.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: "Tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra đã vượt khỏi tầm kiểm soát". Cách duy nhất để giảm thiểu điều này là khối tư nhân nên liên kết lại. "Chúng tôi nhận ra rằng thiệt hại trực tiếp từ các thảm họa tự nhiên đã bị đánh giá thấp hơn 50% so với thực tế. Số tiền 2.500 tỷ USD mất đi thật khó chấp nhận khi chúng ta biết cách để tránh mà không làm được", ông Ban nói.
Cũng theo Tổng thư ký, đã nhiều năm rồi các thị trường tài chính đề cao giá trị hồi phục ngắn hạn hơn là các giải pháp mang tính bền vững dài lâu, những điều mà xét về dài hạn sẽ có lợi hơn, giúp nhân loại tiết kiệm được nhiều triệu đôla.
Trong báo cáo, những thiên tai gần đây như siêu bão Sandy (đổ bộ vào Mỹ năm 2012), trận lụt năm 2011 tại Thái Lan hay thảm họa kép tại Nhật Bản (2011) là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng. Toàn cầu hóa khiến chuỗi cung cấp bị ảnh hưởng. Ví dụ, Toyota mất 1,2 tỷ USD doanh thu do trận động đất tại Nhật hồi tháng 3/2011 do thiếu bộ phận lắp ráp, khiến năng suất giảm 150.000 xe tại Mỹ, sản lượng giảm 70% tại Ấn Độ và ở Trung Quốc là 50%.
Trong khi đó, Orion - một công ty sở hữu và vận hành điện lưới lớn nhất New Zealand tiết kiệm được 65 triệu USD trong trận động đất diễn ra năm 2010 và 2011 nhờ trước đó đầu tư 6 triệu USD vào giải pháp phòng chống địa chấn.
Margareta Wahlstrom, đại diện Phòng Giảm rủi ro thiên tai Liên Hợp Quốc cho biết: "Trong một thế giới đang gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh chóng, biến đổi khi hậu và việc đầu tư cho phòng chống thiên tai bị xem nhẹ, thì những tổn thất tiềm tàng vẫn là mối lo chính".
Liên Hợp Quốc tính toán tổn thất trung bình do động đất và lốc xoáy gây ra mỗi năm trong thế kỷ 21 có thể lên tới 180 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại từ lũ lụt, lở đất, cháy, bão...
Phương Linh/vne