Đây chính là sự vinh danh chó Phú Quốc của cha ông ta. Sự tôn vinh đó là có cơ sở, bởi trong lịch sử từng có 4 con chó Phú Quốc được vua Gia Long sắc phong một cách trọng thị không kém cạnh gì những công thần khai quốc của nhà Nguyễn.
Một "vương khuyển" Phú Quốc.
4 con chó của vua Gia Long
Vua Gia Long nuôi 4 con chó Phú Quốc (2 đực, 2 cái), 4 con chó này đã theo ông trong suốt những năm bôn tẩu, từ miền biển lên miền núi, từ nơi bình an đến chốn hiểm nghèo.
Sử sách nhà Nguyễn đương nhiên không ghi những chiến công của những con chó, vì chuyện “chó” có lẽ là chuyện “nhạy cảm” nên các sử gia không tiện chép lại.
Vả lại, chính sử nhà Nguyễn là cuốn Đại Nam thực lục (gồm Tiền biên và Chính biên) được khởi biên từ năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), mãi đến năm 1909 mới hoàn thành, phần nói về vua Gia Long và các chúa Nguyễn chỉ đề cập đến các sự kiện chính, không nêu nhiều chi tiết.
Tuy nhiên, sách Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, một cuốn sách gia truyền ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc, lại ghi rất rõ về 4 con chó này, không những về chiến công mà còn mô tả khá kỹ về đặc tính của chó Phú Quốc. Cuốn sách hiện vẫn còn lưu giữ trong gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, cháu gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố.
Ông Ưng Viên bảo, nếu không có 4 con chó Phú Quốc cứu nguy thì ông Gia Long 2 lần chết chắc trước khi lên ngôi.
Lần thứ nhất, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi ở dưới chân phía Nam dốc Gành Đỏ (vùng Bằng Lăng, Phú Yên), ông trốn vào một lũy tre, xung quanh là bụi rậm. 4 con chó vây quanh bảo vệ ông. Không ngờ trong bụi rậm này có một hang rái cá (khoảng 10 con lớn nhỏ).
4 con chó khống chế đàn rái cá, khiến chúng im thin thít. Khoảng 1.000 quân Tây Sơn cùng một bầy chó Ngao siết chặt vòng vây. Khi vòng vây khép lại còn đường kính khoảng 30m, những con chó Phú Quốc khôn ngoan lập tức mở đường cho bầy rái cá chạy để đánh lạc hướng bầy chó Ngao.
Quả nhiên bầy chó Ngao rượt đuổi theo bầy rái cá và quân Tây Sơn chuyển cuộc truy lùng theo hướng bầy chó Ngao, nhờ đó mà vua Gia Long thoát nạn.
Lần thứ 2, khi ông bị truy đuổi ở Cà Tang hạ (Quế Sơn, Quảng Nam), cùng đường phải chui vào một bụi rậm, 4 con chó cũng vây quanh bảo vệ. Khi quân Tây Sơn hãm sát nơi ông trú ẩn, họ dùng giáo chọc khắp nơi. Một con chó đã lấy thân mình đỡ ngọn giáo đâm vào ông, 3 con còn lại mở đường cho ông chạy thoát.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, đã không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Sau khi 4 con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ trọng thể.
Chó Phú Quốc nhảy vượt chướng ngại vật trong một thi đua chó.
Khi chó Phú Quốc là quân khuyển
Không chỉ vua Gia Long nuôi chó Phú Quốc để phò tá cho mình, quân đội nhà Nguyễn còn dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển, vô cùng lợi hại.
Cần biết, trước đó quân đội Tây Sơn cũng dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển, nhưng sau đó không biết vị quân sư nào làm tham mưu đã thay chó Phú Quốc bằng chó Ngao (giống chó Ngao Tây Tạng ngày nay), tưởng rằng chó Ngao dũng mãnh hữu hiệu hơn, nhưng sự thực thì chó Ngao không tinh nhạy bằng chó Phú Quốc, hơn nữa Ngao là giống chó xứ lạnh, không thích hợp với đặc điểm thổ nhưỡng miền Nam nước ta nên nhanh chóng bị bệnh tật, thoái hóa.
Theo nhận xét của ông Ưng Viên thì một trong nhiều nguyên nhân quân đội nhà Tây Sơn thua quân đội nhà Nguyễn là quân đội Tây Sơn đã dùng chó Ngao thay cho chó Phú Quốc.
Dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển có những điểm ưu việt mà cha ông ta đã sớm thấy rõ. Thứ nhất, chó Phú Quốc khi xác định được lãnh địa thì làm chủ hoàn toàn lãnh địa của mình, nghĩa là chúng không sợ bất cứ “thằng nào con nào”, kể cả cọp nếu bước vào lãnh địa của chúng.
Điều đó cũng có nghĩa là không có bất cứ một người lạ, vật lạ nào rơi vào phạm vi lãnh địa của chúng mà chúng không phát hiện. Do đó, thám báo, gián điệp không thể trà trộn vào các đội quân có chó Phú Quốc.
Thứ hai, chó Phú Quốc là giống chó săn tài ba, chúng có khả năng truy tìm đến cùng dấu vết con mồi và rất ít khi bỏ cuộc. Chúng lại có khả năng tuân thủ mệnh lệnh một cách chính xác mà không tốn nhiều công huấn luyện.
Vì vậy, chúng được sử dụng tốt nhất trong trinh sát (du binh). Dấu vết địch quân, việc bố trí lực lượng và mọi động thái dịch chuyển của địch quân đều khó có thể “qua mắt” được chó Phú Quốc.
Thứ ba, bảo vệ chủ và tự vệ tốt. Trong điều kiện chiến đấu bằng giáo mác, cung tên và súng ống thô sơ, chó Phú Quốc có thể hỗ trợ, phối hợp với chủ trong tấn công kẻ địch và phòng thủ bảo vệ chủ, đặc biệt hữu hiệu trong phục kích và đoạn hậu.
Chúng có khả năng né tránh tốt nên ít bị thương vong. Đặc biệt, chó Phú Quốc không ăn những thức ăn “nhân tạo” (có bàn tay “chế biến” của người không phải là chủ nó) nên rất khó bị mắc bẩy hoặc bị dùng thuốc độc tiêu diệt.
Thứ tư, chó Phú Quốc là một nhà phong thủy đại tài. Phát hiện nơi nào “đất lành”, nơi nào “đất dữ” là khả năng có ở nhiều loài chó, nhưng rõ nhất là ở chó Phú Quốc.
Quân đội nhà Nguyễn khi trú quân, nơi nào chó Phú Quốc có những biểu hiện bất an và không chịu nằm, nơi đó không dựng trại, chỉ dựng trại ở những nơi chó có biểu hiện an lành và chịu nằm. Nơi “đất lành” chính là nơi có địa y tốt, không bị tác hại bởi chướng khí, tạo hưng phấn và ngăn ngừa được dịch bệnh.
Thứ năm, cũng theo sách trên, chó Phú Quốc có khả năng phát hiện bệnh tật của chủ và tìm cây lá về cho chủ ăn để chữa bệnh.
Khả năng này của chó Phú Quốc còn được ghi trong 2 cuốn sách là Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính và Nguyễn Phúc tộc y gia truyền thế thường hành (cũng là các cuốn sách gia truyền của hoàng tộc nhà Nguyễn), trong đó có ghi chép những loại thảo dược do chính chó Phú Quốc t́m về chữa bệnh cho chủ. Trong quân đội, chó Phú Quốc giúp ích nhiều cho các nhà quân y sớm phát hiện để ngăn chặn bệnh tật cho tướng sĩ.
Những khả năng nói trên của chó Phú Quốc hiện nay có rất ít người biết tới, nhưng cha ông ta đă từng phát hiện, khai thác và đúc kết. Đó là một trong những bí mật quân sự của tiền nhân và vẫn đang tiềm ẩn trong những con chó Phú Quốc ngày nay.
TM