BBC giới thiệu một số ý kiến quan trọng quanh các động thái mới nhất của Bắc Hàn và Hoa Kỳ, gồm cả một số kịch bản về diễn biến xung đột với Bắc Hàn, sau khi lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un đe dọa tấn công Hoa Kỳ và đồng minh.
Charles Scanlon, BBC News:
"Đánh bạc với dư luận là vai trò chính lâu nay trong chiến lược của Bắc Hàn.
Chế độ ở Bình Nhưỡng muốn được các quốc gia láng giềng giàu mạnh hơn coi họ một cách nghiêm túc.
Nhưng qua cách đưa ra lời đe dọa về nguy cơ đẩy khu vực kinh tế năng động nhất thế giới vào cuộc chiến tranh, Bắc Hàn đã che dấu được các yếu kém nội bộ và nhận được nhượng bộ ngoại giao.
Nay, chỉ có Hoa Kỳ có thể lật tẩy lá bài của Bắc Hàn.
Vì thế, Bộ Tài chính Mỹ ra biện pháp siết chặt tài chính với Bắc Hàn và Ngũ Giác Đài cử phi cơ ném bom chiến lược B-52 và máy bay B-2 tới bán đảo Triều Tiên..."
Ông Kim Jong-un đã liên tiếp đe dọa tấn công quốc gia 'thù địch'
Bộ Quốc phòng Hoa kỳ:
"Qua quyết định gửi phi cơ ném bom B-2 Spirit tới Nam Hàn từ Căn cứ Whiteman Air Force, Hoa Kỳ bày tỏ cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và mở rộng biện pháp phòng ngừa tới cho cả các đồng minh của chúng tôi ở châu Á – Thái Bình Dương.
Sứ vụ của hai chiếc B-2 Spirit cho thấy Hoa Kỳ có khả năng oanh kích tầm xa nhanh, chính xác và bất cứ lúc nào, gồm cả đoạn đường bay trên 6500 dặm tới bán đảo Triều Tiên và trở về đất Mỹ trong một lần xuất kích."
Tanya Branigan, báo The Guardian:
Kịch bản một là Seoul bị tấn công, theo Tiến sỹ James Hoare, nguyên tùy viên sứ quán Anh tại Bình Nhưỡng.
"Người ta có thể phóng một hoặc hai hỏa tiễn tới một chỗ nào đó gần phi trường Incheon, chỉ để chứng tỏ rằng người ta có thể làm được điều đó..."
"Hoặc triển khai một số tàu chiến ở miền nam khu vực tranh chấp ở đường giới tuyến phía Bắc."
Kịch bản hai cho rằng Bắc Hàn chủ yếu nhắm tới một vụ thử hỏa tiễn hoặc hạt nhân.
Ý kiến này nói: “Bắc Hàn rõ ràng đã có một chương trình phát triển các thứ đó; các khoa học gia và lãnh đạo của họ, chỉ đang gây sức ép để thúc đẩy các chương trình và thử nghiệm loại này.”
Hoa Kỳ cử máy bay B-2 tới bán đảo Triều Tiên
Một kịch bản ba tin rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ có động thái thiên về chiến tranh kinh tế bằng việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong (liên doanh với miền Nam), nhưng thu giữ các tài sản của Hàn Quốc làm “con tin.”
Miền Bắc có thể tiến hành các cuộc chiến tranh mạng bằng tấn công các ngân hàng và hệ thống truyền thông của Hàn Quốc.
Một kịch bản khác cho rằng Bắc Hàn chỉ lên gân tạo lợi thế trước khi trở lại bàn đàm phán, nhất là trực tiếp giữa hai miền trên bán đảo.
Kịch bản số bốn này nói: “Các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên có thể là một khả năng cao hơn, và có thể là hữu ích hơn là đối thoại với Hoa Kỳ.
Tiến sỹ Hoare dự đoán: “Tôi nghĩ sẽ mất một vài tuần nữa để Bắc Hàn diễn kịch và lên giọng trước khi hai bên có thể cố gắng thoát ra khỏi xung đột.”
Và kịch bản thứ năm là khả năng quay lại đàm phán, theo những gì Nga hy vọng.
Hôm thứ Sáu 29/3, Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov kêu gọi các nỗ lực để tái khởi động các cuộc đàm phán sáu bên giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Lí do mà Nga đưa ra đề xuất này là vì Moscow quan ngại rằng các tuyên bố của Bình Nhưỡng có thể đưa các căng thẳng và nguy cơ xung đột hạt nhân “tuột ra khỏi tầm kiểm soát” của quốc tế và các bên liên quan.
(BBC)