GiadinhNet - “Xóm nước đen” không biết có từ khi nào nhưng đó là cái tên người ta đặt cho ngõ 107 Kim Giang, quận Thanh Xuân nối sang ngõ 34 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Đoạn đường chưa đầy 2km, người dân sống lay lắt ven hai bờ một con kênh cực ô nhiễm.
Quanh năm bẩn
Theo những người dân ở ngõ 107 Kim Giang và ngõ 34 đường Vĩnh Tuy, con kênh lộ thiên này trước kia là nguồn chính cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, con kênh không chỉ mất đi chức năng đó, mà còn ô nhiễm nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Bà Nguyễn Thị Mai ở 123/107 Kim Giang cho biết: “Tôi sống ở đây 47 năm, nên chứng kiến sự thay đổi của dòng nước dưới kênh. Trước đây lòng sông rộng hơn, sâu hơn và nước rất trong chứ không đen ngòm như bây giờ. Bây giờ thì lòng kênh hẹp lại, toàn nước bẩn, nhiều đoạn còn bị tắc vì người dân vứt rác xuống lòng kênh”.

Sống chung với bẩn
Bà Mai kể: “Mùa mưa qua đi, con kênh nhiều đoạn trơ cả đáy. Đáy kênh nhìn nông thế thôi chứ lớp bùn kia sâu hàng mét. Đã có nhiều chó, mèo trượt chân xuống kênh, người ta bất lực nhìn thấy nó bị lớp bùn nhấn chìm xuống đáy. Nước, rác sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả trực tiếp xuống kênh bị phân hủy tại chỗ, đặc quánh, đen kịt. Mùa mưa đến, mọi thứ bẩn thỉu dưới đáy sông lại dềnh lên, nồng nặc mùi xú uế rất khó chịu. Nghĩ đến mùa hè đang gần đến, chúng tôi lại rùng mình lo lắng, nhà nhà sắm khẩu trang. Dân ở đây khổ sở vì con kênh này, mùa mưa cũng chết dở vì bị dềnh rác thải, mùa khô nóng thì khổ vì mùi hôi thối”.
Chỉ tay về phía những mảng rác ứ đọng giữa lòng kên, bà Mai không khỏi búc xúc: “Các loại bèo, rác đã phủ khắp bề mặt, ruồi nhặng, muỗi, gián và đặc biệt là chuột có đất sinh sôi nảy nở”.
Cả xóm bị đau đầu, viêm xoang
Ô nhiễm, hôi thối, đối diện với dịch bệnh, mất mỹ quan nhưng những hộ gia đình sống hai bên bờ con kênh này chẳng còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận “sống chung với lũ”.
Chị Phan Minh Thu ở đầu ngõ 107 Kim Ngưu bức xúc: “Ai chẳng biết ô nhiễm nhưng chúng tôi bê nhà đi đâu được. Phải vừa sống vừa khắc phục thôi. Sống chung với nước bẩn, không dùng nước ở đây nữa. Sợ ruồi muỗi, bọ, chuột thì nhà nào làm lưới chống côn trùng vây kín nhà nấy. Chỉ có cái bệnh viêm xoang thì hầu như dân chúng tôi đều bị mà chưa có cách khắc phục”.

Cơ quan chức năng nỗ lực nửa vời người dân vẫn ô nhiễm – đường dẫn giống bài
Quả thật, nơi được mệnh danh là “xóm nước đen” vào những ngày trời oi nồng, không khí ở đây mới thực sự ngột ngạt khó chịu. Chỉ những người mới đến đây mới thấy ớn thôi. Còn những người như bà Mai và chị Thu ở lâu thành quen.
Gần 100% người dân “xóm nước đen” đã chuyển hẳn sang dùng nước máy. Ông Phạm Văn Dần ở ngõ 34 Vĩnh Tuy cho biết: “Cách đây vài năm, chúng tôi vẫn dùng nước giếng khoan. Khoan sâu mấy thì nước vẫn có mùi tanh lờm lợm giờ thì có nước giếng khoan rồi. Giải quyết được khâu nước ăn, nhưng chuyện ô nhiễm, hôi thối làm ốm yếu tất cả những người khỏe mạnh nhất thì chúng tôi vẫn phải chịu. Trời nắng mùi hôi thối bốc lên, trời mưa nhà như hoang đảo bởi nước bẩn bao vây. Những ngày như thế ruồi nhặng được thể “tấn công” vào nhà ở là chuyện bình thường”.
Cũng theo ông Dần, hầu hết, những người sống quanh đây đều mắc bệnh đau đầu, viêm xoang. Kinh khủng nhất là vào những ngày mưa to, nước ngoài sông dềnh lên bao nhiêu là thứ phế thải mất vệ sinh, một màu đen kịp tràn thẳng vào nhà. Ông Dần cho biết những lúc như thế là ông lại hối thúc con ông đưa cháu lên nhà anh em ở phố Đội Cấn lánh nạn.
Vài năm nay, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng môi trường đã tích cực khơi thông, thu gom, nạo vét, xử lý bớt lượng rác thải tràn lan trên bề mặt kênh. Song sau mỗi lần xử lý không lâu, tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Người dân “xóm nước đen” thấp thỏm chờ đợi một dự án kè kênh bằng bê tông, để giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm. Ngày dự án đó thành hiện thực vẫn cần nhiều thời gian. Và, hàng ngày, cuộc sống ở “xóm nước đen” vẫn tiếp diễn, người dân ở đây vẫn phải sống chung với môi trường ô nhiễm nặng, hôi thối quanh năm.
Quang Thành