Sóc Trăng nổi tiếng với nhiều loại bánh như: Bánh Pía, bánh In, bánh gừng, bánh cóng, bánh ống...mỗi loại bánh đều mang những hương vị thơm ngon rất riêng được tạo ra từ bàn tay khéo léo của con người nơi đây.
[/b]
Bánh Pía
Từ thế kỉ XVII, bánh pía đã xuất hiện ở Sóc Trăng khi theo chân những người Hán di cư đến phương Nam. Theo thời gian, bánh pía được chế biến dần phù hợp với khẩu vị của người Việt bởi tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, thơm thảo trên vùng đất Nam Bộ và trở thành một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng như hiện nay.
Bánh Pía Sóc Trăng
Bánh pía Sóc Trăng có hương vị rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của hột vịt muối (trứng vịt muối), vị bùi của đậu xanh, khoai môn, và thơm mùi bột mì của vỏ bánh nướng vàng. Những chiếc bánh có hình dáng nhỏ, tròn, không quá bở, mềm và có một độ dẻo vừa phải để có thể ngậm vào miệng mà không tan ngay. Nhưng điều đặc biệt là vị ngọt thơm nguyên chất hương sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Đó cũng là nét thuần Việt mà chiếc bánh pía có được như một hương vị gắn liền với cuộc sống người Nam Bộ hàng trăm năm qua.
Bánh cóng Sóc Trăng
Để có được một bánh cóng vừa ý thì không phải dễ. Người làm bánh phải chọn thứ gạo tốt nhất, không phải loại lúa thần nông ngắn ngày mà phải gạo lúa mùa thơm ngon, ngâm hai đêm rồi mới xay, rồi pha nước muối loãng cùng với bột cho vào một cái hũ ngâm một hai đêm nữa. Còn nhân bánh thì đủ thứ: nào tép đất còn tươi, thịt nạc, đậu xanh đem đồ chín, thịt nạc thì xay thật mịn, tép thì hấp cách thuỷ...
Bánh cóng Sóc Trăng
Nước chấm cho món bánh cóng Sóc Trăng thì phải làm bằng nước mắm chính hiệu cá cơm Phú Quốc về pha chế với gừng cay nồng, chanh chua thanh thanh. Bánh cóng phải ăn với rau sống mới tuyệt ngon, loại này đủ loại tuỳ theo ý thích của mỗi người như là cải, xà lách, rau thơm, rau muống, khế, lá lụa... vừa chát, vừa chua
Bánh ống sóc trăng
Bánh ống Sóc Trăng, cái ống tre làm khuôn được cưa ngang một khúc dài cỡ 20cm. Ở giữa có que nhú lên gắn vào đồng xu cạo gió làm đáy khuôn.Ngày nay, ít ai xài bằng ống tre mà người ta chỉ làm bằng nhôm cho giản tiện. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước. Bột gạo xay nát, tơi nhỏ và mịn trộn với đường, nước cốt dừa…cách chế biến món bánh ống Sóc Trăng rất đơn giản.
Bánh ống
Bánh ống Sóc Trăng tròn dài, trắng tinh mềm và xốp. Bánh vừa mới đem ra phải ăn nóng mới ngon và thưởng thức được hết cái đậm đà của nó. Khi bánh chín, kéo chiếc que và đưa nhẹ chiếc bánh đặt lên miếng lá chuối. Mùi thơm của nước dừa ngào ngạt, hương lá dứa bay thoang thoảng. Bởi vậy, có nơi người ta còn gọi là bánh lá dứa vì có mùi lá dứa. Bánh ống ăn kèm với chút dừa nạo, trên rải một ít muối mè trắng hoặc đậu phộng đâm nhỏ.
Bánh gừng
Bánh gừng được làm bằng bột nếp, trứng gà, bột nang mực và nước chanh tươi, trộn đều thành một hỗ hợp rồi nặn thành những chiếc bánh có hình thù giống như củ gừng. Bánh nặn xong được chiên vàng và nhúng vào chảo đường cát trắng đã thắng sền sệt, tạo thành một lớp áo mỏng bên ngoài rồi đem ra phơi. Bánh gừng giòn và có vị béo của trứng và vị ngọt của đường.
Bánh gừng
Bánh In
Bánh In có hình tròn màu trắng, bánh được dùng nhiều nhất vào dịp rằm tháng 8 và Lễ hội Ooc – Om – Boc hàng năm tại Sóc Trăng, để cúng tạ ơn Mặt Trăng đã ban cho con người sức mạnh, mùa màng tươi tốt...
Bánh In
Bánh có hình thù đẹp mắt
Bánh được làm từ nguyên liệu chính: gạo nếp, đường cát, nước cốt dừa. Mùi thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn với vị ngọt của đường, khi thưởng thức cùng với ly trà nóng thì còn gì bằng.
Nguyễn Nhung (Tổng hợp)