Với người Mã Liềng (Quảng Bình), đa số đàn ông chỉ có trách nhiệm địu con, trông nhà, nấu cơm để vợ lên nương rẫy.
Thượng nguồn sông Gianh chảy từ rẻo cao Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) về đến huyện Tuyên Hóa thì hợp lưu với suối Cà Tang tạo thành ngã ba Khe Núng. Ven ngã ba sông này là nơi sinh sống của người Mã Liềng, một tộc người còn lưu giữ nhiều tập tục kỳ lạ.
Hơn 10 năm trước, tộc người Mã Liềng chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm chỉ 2-3 hộ, sống hoang hoải ở Ngọn Trập, Vực Bài, giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cứ xong một mùa vụ họ lại kéo nhau đi nơi khác.
Sau khi bộ đội biên phòng phát hiện, năm 1999 người Mã Liềng được vận động về sinh sống tại bản Kè, bản Chuối, bản Cáo (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa) và một số khác chuyển về chân núi Kà Đay (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Dù có đi đâu, như một lời nguyền của tộc người này, họ cũng phải sống cạnh sông và núi. Bản Kè có 45 hộ, 179 nhân khẩu sống dựa vào nương rẫy và 1,5 ha lúa nước hai vụ. Khác với bản Cáo và bản Chuối, cư dân bản Kè có phần khổ hơn vì sự cách trở.
Bản Chuối và bản Cáo đã có hai hộ thoát được nghèo, còn bản Kè vẫn còn 100%. Nhưng như lời trưởng bản Cao Dụng thì nhờ sự cách trở này mà người Mã Liềng ở đây còn lưu giữ được những tập tục cổ xưa nhất của đồng bào mình. Ông Cao Dụng bảo, dù sống nhờ nương rẫy nhưng bản Kè hầu như chỉ có đàn ông, người già và trẻ nhỏ ở nhà.
Hầu hết đàn ông bản Kè đều địu con cho vợ đi làm rẫy.
Những người đàn ông da đen nhẻm, người chắc nịch như cây gỗ lim, gỗ táu trên rừng khiến người lạ nghĩ rằng họ là những người chồng, người cha đầy sức mạnh của gia đình. Vậy mà với người Mã Liềng, đa số đàn ông chỉ có trách nhiệm địu con, trông nhà, nấu cơm để vợ lên nương rẫy.
Cạnh nhà trưởng bản Dụng là nhà của Phạm Kỳ. Đang là thời điểm phá đất trỉa ngô nhưng trông Kỳ quá nhàn nhã. Nhà có hai khuông ruộng, mỗi khuông khoảng một sào cộng với rẫy ngô, rẫy sắn. Tất cả công việc nặng nhọc đã có bà vợ mà Kỳ chỉ biết tên là Phùng, không nhớ họ, dù họ đã có với nhau tận 7 mặt con.
Việc chính của Kỳ là trông nom hai đứa út. Một đứa thì địu trên lưng, một đứa nữa thả lăn lóc nghịch đất cát. Cứ sáng ra là Kỳ làm ấm chè xanh, gọi thêm ông hàng xóm chung cảnh “trông con cho vợ lên rẫy” là Cao Sơn sang... đàm đạo.
Thú thưởng chè dường như không phù hợp với hoàn cảnh của những gia đình mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng. Những chuyện tưởng chừng như quá bất công, ngược đời kiểu ấy hóa ra rất đỗi bình thường với người Mã Liềng.
Trong căn nhà sàn của Kỳ, căn buồng cuối được che chắn kín mít, nằm cạnh một bếp lửa không bao giờ tắt. Trái với công việc “đàn bà” hằng ngày, căn buồng lại là một biểu hiện hết sức gia trưởng của người đàn ông Mã Liềng. Căn buồng ấy được gọi là buồng thiêng, nơi ngủ nghỉ của Kỳ, và chỉ có duy nhất người đàn ông này mới được phép bước chân vào.
Buồng được thưng bằng những tấm ván gỗ tốt nhất, bao bọc cột chính mà người Mã Liềng gọi là cột ma, được Kỳ lựa chọn rất kỹ. Những gì được gọi là tài sản trong gia đình cũng tập trung hết ở căn buồng này. Như gia đình Kỳ thì đó là bộ chăn màn đẹp nhất, nồi niêu, xoong chảo và một cây ná bắn chim.
Lạ hơn, kể cả những ngày đông giá nhất thì những đứa con của Kỳ chỉ được phép trải chiếu nằm sàn gần mép cửa chứ không một lần được ngủ trong căn buồng thiêng ấm cúng kia. Bà vợ cũng nằm ở buồng ngoài, mỗi lần muốn đẻ thêm đứa nào đấy thì Kỳ sang, xong việc lại quay về buồng thiêng của mình để ngủ. Cũng may, có lẽ nhờ chuyện ngủ ngáy có phần phức tạp này mà nhà Kỳ chỉ mới đẻ có 7 đứa thôi.
Ông trưởng bản dù hiểu biết phong tục đồng bào mình như cũng không thể giải thích những chuyện lạ lùng ấy. Chỉ biết là từ những năm tháng sống lang thang trong rừng sâu thì căn buồng thiêng của người Mã Liềng đã có.
Ngay cả thời điểm có chương trình Bảo tồn sinh thái nhân văn tộc người Mã Liềng do Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) làm nhà cho đồng bào ở bản Kè thì đại diện các hộ gia đình bắt buộc chủ dự án phải dựng buồng thiêng cho mình.
Đợt dự án làm xong nhà, những người đàn ông như Kỳ nằm trong buồng thiêng tận 5 ngày đêm. Vợ con phải cơm nước mang vào dù chẳng ốm đau gì cả. Khi được hỏi lý do, Kỳ lắc đầu, chỉ biết đấy là phong tục.
Buồng thiêng của gia đình Phạm Kỳ.
Báu vật đích thực của người Mã Liềng là chiếc vòng cườm đeo ở tay hoặc cổ. Đói nghèo có thể bỏ qua chứ việc để mất vòng cườm là điều tối kỵ trong đời sống của họ. Quyền uy của chiếc vòng cườm này vô cùng ghê gớm.
Đám cưới, đám ma hay dịp những đứa trẻ chào đời đều bắt buộc sử dụng đến vòng cườm. Những bất công trong cuộc sống mà người phụ nữ Mã Liềng phải gánh chịu được bù đắp phần nào nhờ vào chiếc vào cườm này. Chỉ có họ mới được phép đeo và cử hành những nghi thức, lễ lạt của gia đình, nếu làm mất thì phải chuyển quyền ấy cho người khác. Vì vậy, phụ nữ Mã Liềng giữ vòng cườm như giữ tính mạng của mình.
Trưởng bản Cáo kiêm già làng, Phạm Thị Lâm đang chuẩn bị làm lễ cưới con dâu. Có lẽ bà là một trong số ít những trưởng bản là phụ nữ của các dân tộc thiểu số. Một lúc nắm giữ hai vị trí quan trọng ở bản Cáo không chỉ nhờ những tiến bộ trong suy nghĩ, trong cách sản xuất mà còn nhờ vào chiếc vòng cườm cổ xưa mà bà Lâm được truyền lại từ tổ tiên của mình.
Chuẩn bị cưới dâu, bà Lâm phải sắm đủ 2 cây rựa, 2 chiếc nồi gang, một chiếc nồi đồng, một con lợn, một nồi cơm. Khổ một nỗi, nhà bà Lâm còn nghèo, chưa tìm đâu ra lợn và nồi đồng. Nếu đến ngày cưới mà mẹ con bà không sắm được thì nhà gái sẽ cho nợ. Anh con trai bà phải dựng lều ở cạnh nhà gái, lúc nào kiếm đủ lễ vật mới cho đón vợ về.
Người Mã Liềng còn có tập tục, con dâu suốt đời không được xuất hiện khu vực gian giữa nhà chồng. Tục lệ ấy cũng được áp dụng với con rể. Khi chưa thành vợ thành vợ thành chồng, người con trai đến tán tỉnh con gái thì tuyệt đối không được bước vô nhà người con gái mà chỉ được phép kéo người yêu ra nói chuyện ở ngoài hiên. Đến lúc nào bên nhà gái nhận lễ thì người con trai mới được vào nhà nhưng phải đứng hay ngồi một chỗ ở góc bên trái của nhà.
Theo
Nông Nghiệp Việt Nam