Khi một xã hội đầy sự giả dối, yêu thích sự bóng bẩy giả tạo bên ngoài thì showbiz không thích nói thật cũng là điều hiển nhiên.
Đúng như lời nhận xét của nhiều người, showbiz Việt là thế giới của những con người ưa... giả dối. Những lời nói thật luôn bị đáp trả một cách không thương tiếc.
Những phát ngôn chân thật của Thanh Lam, Mỹ Linh... ngay lập tức bị ném đá không thương tiếc từ cả người trong giới lẫn công chúng vì động đến những thứ nhạy cảm và nhân vật được yêu thích của giới này.
Tina Tình cũng từng chia sẻ giới showbiz đâu đâu cũng là mặt nạ và tỉ lệ quạ đen nhiều hơn hẳn quạ trắng, khó mà phân biệt được ai là quạ trắng hay quạ đen.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà showbiz Việt lại chuộng sự giả dối đến như vậy. Showbiz chỉ là một phần của xã hội và nó chịu ảnh hưởng lớn từ các xã hội, cuộc sống bao trùm lên nó. Và quả đúng như vậy, trong xã hội và cuộc sống cũng dầy rẫy những sự giả dối.
Trong giáo dục có lẽ là nơi mà giả dối được bộc lộ nhiều nhất. Bệnh thành tích đã chi phối khiến cho ngành này xảy ra không ít những sự giả dối từ chạy, xin, nâng điểm, gian lận trong thi cử...
Điển hình là vụ gian lận thi tốt nghiệp ở THPT Đồi Ngô đã phơi bày sự giả dối của một bộ phận không nhỏ ngành giáo dục. Những đứa trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tiếp xúc với sự giả dối thì hiển nhiên lớn lên cũng không xa lạ với thói này.
Ngay cả trong công việc, tình yêu cũng không ít người chỉ thích sự hào nhoáng bên ngoài bằng những lời nói dối hay giả tạo mà không ngần ngại thể hiện thái độ với những lời nói, hành động chân thành.
Có thể nói sự giả dối tồn tại khắp nơi trong xã hội và được mọi người hiển nhiên thừa nhận là một phần của cuộc sống và làm theo như một thói quen vì quyền lợi hay con người mình.
Vậy nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi một xã hội đầy sự giả dối, yêu thích sự bóng bẩy giả tạo bên ngoài thì showbiz không thích nói thật cũng là điều hiển nhiên.
theo PNTD