HÀ NỘI (NV) - Lạm phát tại Việt Nam trong tháng 1, 2013 tăng lên cao hơn so với cùng thời gian này của năm ngoái gây nhiều lo ngại cho một nền kinh tế có nhiều bất trắc.
Một người bán trái cây bên lề đường phố Hà Nội, kiếm sống. Tổng Cục Thống Kê Việt Nam nói rằng lạm phát trong tháng 1, 2013 lên cao hơn thời kỳ này năm ngoái 7.07%. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Công Thương CSVN nói lạm phát trong tháng 1 tăng 7.07% so với tháng 1, 2012 sau khi đã gia tăng 6.8% hồi tháng 12, 2012.
Nếu tháng 1, 2013 so với tháng 12, 2012 thì chỉ số giá tiêu thụ đã gia tăng 1.25%.
Tình trạng lạm phát của Việt Nam bị tác động bởi “thanh khoản gia tăng trong hệ thống tài chính vào quý thứ tư của năm 2012 cũng như những lần giảm lãi suất ngân hàng theo quyết định của Ngân Hàng Nhà Nước. Bên cạnh đó, nó cũng bị tác động bởi giá cả leo thang nhân dịp chuẩn bị sắm Tết (Quý Tỵ) sắp tới.” Ông Deepak K. Mishra, kinh tế gia của Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam nói với hãng thông tấn AFP.
Theo ông, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phải giảm bớt thanh khoản trong tương lai để có thể hạ nhiệt lạm phát trong quý thứ hai.
Tháng 12, 2012 Ngân Hàng Nhà Nước đã cắt lãi suất lần thứ 6 trong nội một năm khi thấy nền kinh tế tăng trưởng tụt xuống còn 5%. Hàng chục ngàn công ty xí nghiệp lớn nhỏ được báo cáo là “chết lâm sàng” vì thiếu tiền hoạt động nhưng cũng không vay được nợ.
Các định chế tài trợ quốc tế thường xuyên thúc hối Hà Nội đặt mục tiêu kềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu để có thể giữ cho nền kinh tế vĩ mô ổn định.
“Những chính sách kinh tế vĩ mô tốt đẹp và lành mạnh là những chính sách duy trì sự ổn định vĩ mô và lạm phát thấp.” Sanjay Kalra, đại biểu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tại Việt Nam phát biểu với báo tài chính Bloomberg. Ông cho rằng các áp lực lạm phát ở Việt Nam vẫn vẫn tiềm ẩn rất lớn.
Ngày 21 tháng 1, 2013, chuyên viên kinh tế của tổ chức tư vấn đầu tư Moody's Investors Service cho biết lạm phát tại Việt Nam cao nhất trong số các nền kinh tế tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Một trong những nguy cơ của lạm phát lên cao là nhà cầm quyền khi thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại thường có khuynh hướng đưa ra các quyết định quá lố để có thành tích (tăng trưởng kinh tế cao) mà tuyên truyền. Bởi vậy, năm ngoái, bất chấp các ngăn cản của Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vẫn hạ lãi suất nhiều lần.
Lạm phát năm 2011 có tháng lên hơn 23% vì nhà cầm quyền bơm tín dụng tới tấp cho đám kinh tài quốc doanh và đảng đoàn. Vật giá leo thang chóng mặt khiến quần chúng lao động nghèo khó kêu rên thảm thiết. Họ chạy đuổi không kịp với giá thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm với đồng lương cố định nhỏ bé.
Theo một kinh tế gia giấu tên phát biểu với thông tấn AFP, sẽ rất khó cho chế độ Hà Nội giữ lạm phát bên dưới mức 6.9% trong năm 2013 như nhà cầm quyền mong muốn.
“Nhà cầm quyền sẽ phải rất thận trọng đối với các chính sách tiền tệ trong những ngày sắp tới. Sẽ rất sớm để nói họ lại phải tăng lãi suất thêm lần nữa để kềm lạm phát. Nhưng hiện họ đang ở giữa đường và không biết theo theo hướng nào,” kinh tế gia giấu tên nói.
Hiện nhà cầm quyền Việt Nam đang bối rối với cái núi nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng mà phần không nhỏ đã được cho các đại gia quốc doanh đầu tư địa ốc.
Thị trường địa ốc ở Việt Nam được mô tả là đang “đóng băng,” cần một lượng rất lớn tiền để gỡ bí. Tiền đào đâu ra, và cứu thế nào, cứu ai hiện vẫn là những dấu hỏi từng được đưa ra suốt nhiều tháng mà chưa ai thấy có câu trả lời.
(TN)