
Sinh viên đại học tổng hợp St Petersburg duyên dáng trong tà áo dài Việt nam (studsovet.org)
Nếu như ở Việt Nam càng ngày càng có nhiều người Việt nói tiếng Nga, thì ở Nga cũng vậy, càng ngày càng có thêm nhiều người Nga nói tiếng Việt. Tiếng Việt ngày càng trở nên phổ biến đối với sinh viên Nga. Các chuyên gia có kiến thức về ngôn ngữ Việt Nam được đào tạo tại bảy trường đại học Nga: ba trường đại học ở Moscow, đại học tổng hợp St Petersburg và đại học tổng hợp Vladivostok.
Ông Alexander Sokolovsky, giáo viên môn tiếng Việt từ đại học tổng hợp Vladivostok cho biết: “Trường đại học tổng hợp của chúng tôi đã đào tạo 150 nhà Việt Nam học. Sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi đang làm việc trong nhiều ban ngành Liên bang Nga, "Vietsovpetro" và các công ty liên doanh khác với Việt Nam. Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với các trường đại học tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đó là những nơi luôn luôn chào đón sinh viên của chúng tôi. Chúng tôi đánh giá cao giáo viên người Việt Nam.”
Hiện nay có 60 sinh viên Nga nghiên cứu tiếng Việt tại trường đại học Vladivostok. Năm ngoái, Vladivostok chính là địa điểm tổ chức Festival văn hóa và du lịch Việt Nam ba ngày. Chương trình bao gồm triển lãm ảnh, hội nghị về tiềm năng du lịch Việt Nam và chương trình ca nhạc do các nghệ sỹ đến từ Việt Nam trình bày. Năm ngoái, chính quyền thành phố có ý định thành lập tại Vladivostok một khu sản xuất công nghiệp nhẹ Việt Nam. Những người thợ lành nghề Việt Nam có thể sản xuất giày dép và quần áo tại cơ sở công nghiệp địa phương. Trong kế hoạch của chính quyền, được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok hoàn toàn ủng hộ còn có việc tổ chức một liên doanh lắp ráp thiết bị y tế.
Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cũng được người Nga ngày càng quan tâm. Chưa bao giờ khách tham quan đến Bảo tàng Nghệ thuật Phương đông Moscow xem triển lãm phương Đông nhiều như vậy, đặc biệt là khách xem những con rồng Việt Nam. Và nếu như trước khi xem triển lãm, người Nga cũng giống như cư dân các nước châu Âu khác cho rằng con rồng là nhân vật phản diện thì sau khi xem xong, họ biết rằng con rồng còn có thể là bạn, chuyên giúp đỡ người gặp khó khăn.
Các môn thể thao truyền thống Việt Nam cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Nga. Năm ngoái, tại Moscow đã diễn ra giải vô địch võ Nhất Nam toàn Nga. Người tham gia trẻ nhất mới sáu tuổi, người cao tuổi nhất hơn năm mươi. Có công quảng bá môn phái võ thuật này là Giáo sư Ngô Xuân Bính. Hiện nay, học trò người Nga của ông đang dạy võ Nhất Nam tại nhiều khu vực của nước Nga.
Riêng bóng đá thì không cần phải quảng bá, vì người Nga và người Việt Nam đều đam mê bóng đá như nhau, kể cả hâm mộ các đội Nga. Năm ngoái, nhân dịp Quốc khánh, các hội đồng hương Việt Nam đã tổ chức giải bóng đá cộng đồng tại sân vận động "Torpedo" ở Moscow. Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga, ông Trần Phú Thuận cho biết: “Tham gia giải có sáu đội bóng của các Hội đồng hương từ Magnitogorsk, Pyatigorsk, Novosibirsk và các thành phố khác của Nga. Thêm ba đội đại diện cho tập thể người Việt Nam ở Moscow, và nhóm thứ mười là sinh viên từ thành phố Tula. Ban lãnh đạo "Torpedo" sẵn sàng đồng ý cho chúng tôi sử dụng một trong các sân bóng đá để tổ chức giải. Chúng tôi đã được "Torpedo" hỗ trợ tất cả các gì cần thiết.”
Giải vô địch bóng đá là một khía cạnh tích cực trong đời sống của cộng đồng Việt Nam tại Nga trong năm ngoái.
Đời sống có nhiều yếu tố tích cực khác, nhưng cũng có những khía cạnh tiêu cực. Chúng tôi sẽ nói về điều này tại một trong những chương trình sắp tới.
Nguồn: vietnamese.ruvr.ru