Các thành phố lớn của Trung Quốc sẽ giúp đẩy manh tư cách trung tâm tài chính thế giới của Châu Á.
Một nghiên cứu mới đánh giá Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025.
Hãng nghiên cứu và tư vấn Frost & Sullivan ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ ở mức 38 nghìn tỷ đôla vào năm 2025.
Mức GDP nói trên chưa được điều chỉnh lạm phát.
Mười yếu tố có khả năng thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 16% vào năm 2020 theo nghiên cứu của Frost & Sullivan bao gồm thành thị hóa, tăng trưởng dân số ở độ tuổi lao động và đầu tư ở nước ngoài.
"Vào năm 2025, khoảng 921 triệu người, tức 65,4% dân số Trung Quốc, sẽ sống ở khu vực thành phố, bằng khoảng 2,6 lần tổng dân số của Mỹ", bà Archana Amarnath, chuyên gia phân tích tại Frost & Sullivan bình luận.
Bà Amarnath cũng nói thêm tăng trưởng ở các thành phố lớn của Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh tư cách trung tâm tài chính thế giới của Châu Á.
Khu vực phi sản xuất phục hồi
"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy vốn đầu tư tăng đã giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với các lĩnh vực liên quan"
Hua Zhongwei, kinh tế gia tại công ty chứng khoán Huachuang
Kết quả nghiên cứu của Frost & Sullivan được công bố ngay sau khi báo cáo mới nhất của Cục thống kê Trung Quốc cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của khu vực phi sản xuất tăng từ 53,7 trong tháng Chín lên 55,5 trong tháng Mười.
Tuần trước, Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất ở nước này đã tăng trưởng trong tháng Mười, lần tăng trưởng đầu tiên kể từ ba tháng trở lại đây.
Những con số mới nhất được đưa ra trong thời điểm tăng trưởng Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong ba năm qua.
Khu vực dịch vụ, trong đó có ngành xây dựng hiện chiếm 43% nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số PMI trên 50 đồng nghĩa với sự tăng trưởng, và dưới 50 có nghĩa là suy thoái.
Tuy nhiên, một khảo sát riêng biệt của ngân hàng HSBC lại cho thấy khu vực phi sản xuất của Trung Quốc đang có dấu hiệu đình trệ.
Chỉ số PMI khu vực phi sản xuất của Trung QUốc giảm từ 54,3 trong tháng Chín xuống 53,5 trong tháng Mười.
Thống kê của HSBC không bao gồm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Kích thích tăng trưởng
Xây dựng
Khu vực dịch vụ, trong đó có ngành xây dựng của Trung Quốc được đẩy mạnh nhờ việc tăng cường vốn vào cơ sở hạ tầng của chính phủ
Kinh tế Trung Quốc hiện đang có mức tăng trưởng thường niên 7,4% (tính tại thời điểm giữa tháng Bảy và tháng Chín) mức chậm nhất trong ba năm trở lại.
Tăng trưởng nước này đang chịu ảnh hưởng nặng từ sự suy giảm nhu cầu đối với ngành xuất khẩu từ các thị trường chính như Mỹ và Châu Âu.
Trong lúc các khu vực nói trên đang tiếp tục phải đối phó với các vấn đề kinh tế, Trung Quốc đã tìm cách đẩy mạnh nhu cầu nội địa bằng cách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt lãi suất hai lần kể từ tháng Sáu để giảm gánh nặng lên doanh nghiệp và người vay vốn.
Ngân hàng này cũng đã ba lần giảm mức dự trữ yêu cầu trong những tháng qua nhằm đẩy mạnh khả năng cho vay.
Trong lúc đó, những dự án cơ sở hạ tầng được thông qua ở nước này đã lên tới 150 tỷ đôla.
Động thái này có vẻ như đã tạo ra ảnh hưởng tích cực khi các con số được công bố trong những tuần qua cho thấy tăng trưởng ở các khu vực trọng yếu như bản lẻ và sản xuất công nghiệp.
"Nói chung, chúng ta có thể thấy gói kích thích của chính phủ đã bắt đầu có hiệu quả," ông Hua Zhongwei, kinh tế gia tại công ty chứng khoán Huachuang đóng tại Bắc Kinh bình luận.
"Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy vốn đầu tư tăng đã giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với các lĩnh vực liên quan."
BBC