Một hình ảnh dễ bắt gặp nhất ở những ngã tư tại thủ đô Jakarta là cảnh những chú khỉ đeo mặt nạ biểu diễn các động tác nhảy múa, hút thuốc làm trò để xin tiền những người đi đường
Chính điều này đã thu hút nhiếp ảnh gia Ed Wray quyết định tìm hiểu sự việc này bằng hình ảnh
Theo đó, những chú khỉ này được bắt về từ tự nhiên sau đó được huấn luyện để có thể biểu diễn những động tác lạ mắt trên đường. Chủ nhân của những chú khỉ này là những người nghèo khó họ không có việc làm và cuộc sống của những người này đều dựa vào các chú khỉ
Nhặt những đồng tiền lẻ từ người đi đường thông qua hành động biểu diễn của các chú khỉ, chủ nhân của những "nô lệ" khỉ này chỉ được bảo đảm sống lay lắt qua ngày
Cũng bởi sự nghèo khó của chủ nhân mà những chú khỉ này dù phải "lao động" cật lực cũng không được chăm sóc một cách chu đáo, thậm chí những chú khỉ còn bị vắt kiệt sức mỗi ngày
Đã có nhiều ý kiến trái chiều sau khi bộ ảnh được công bố, "lạm dụng động vật" là cụm từ mà nhiều người dùng để lên án hành động này, nhưng cũng có người nhận định rằng hành vi này có thể chấp nhận được vì cuộc sống của những người dân nghèo tại Jakarta đúng là rất khổ cực
Hình ảnh chú khỉ biểu diễn kỹ năng đi xe đạp trong khi chủ nhân ngồi chờ những đồng tiền lẻ của người đi đường
Sau một ngày làm việc cực nhọc những "nô lệ" khỉ này lại bị nhốt vào lồng và chờ đợi một chút đồ ăn từ người chủ nghèo khó của mình.
Một chú khỉ bị trói quặt tay vì không chịu tập luyện biểu diễn một động tác mới do chủ nhân đề ra
Những hình ảnh nhếch nhác của "nô lệ" khỉ cùng chủ nhân của mình ngóng chờ một tương lai tươi sáng hơn trong khu ổ chuột tại thủ đô Jakarta, Indonesia
Trong khi đó ở Việt Nam, khỉ cũng là một loại thú rừng đang bị tàn sát ở nhiều tỉnh thành và trở thành đặc sản trên bàn nhậu trong nhà hàng, quán ăn. Điều đáng nói, khỉ cũng như nhiều loài thú quý hiếm được buôn bán công khai và ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài. Có những vựa thu mua ứng trước tiền cho thợ săn vào rừng tận diệt thú bán cho mình. Có đường dây còn xây cả hầm bí mật cất giấu thú rừng để qua mắt cơ quan chức năng.
Những lò thịt rừng hoạt động đình đám ở TP.HCM chứa đủ loại thú rừng, đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày đêm tấp nập ra vào. Để tiếp thị, chủ lò thịt còn ngang nhiên đưa cả thú rừng ra lề đường treo bán. Bên trên bàn, những con thú bị thắt cổ treo lủng lẳng cùng những thùng nhựa đựng rắn, lồng sắt nhốt heo rừng, chồn hương và vạc con nằm la liệt dưới đất
Tiếp cận những điểm mua thú rừng của các đầu nậu bán thú rừng lớn cho thấy hình ảnh thú được tập kết hàng loạt. Những lồng thú được bày đầy trên sàn sau nhà. Không những thế, các đầu nậu còn cho xây dựng cả một hầm bí mật để trữ các loài động vật rừng quý hiếm. Ảnh một phụ nữ dùng đèn khò làm lông con chồn tại khu vựa chứa thú rừng (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước)
Khỉ cũng như nhiều loại động vật đang trở thành con vật đáng thương, sống cuộc sống nô lệ, phục tùng lợi ích vật chất của loài người ở khắp nơi trên thế giới