Theo tờ Chosun Ilbo, Triều Tiên đã yêu cầu mỗi cơ quan của Cục An ninh Nhà nước kiểm soát 50 lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nhằm ngăn chặn họ đào ngũ cũng như tiếp thu và mang về nước những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Công nhân Triều Tiên tại một công trường xây dựng ở Mesaieed, cách Doha (Quatar) 40 km về phía Nam.
Mỗi cơ quan này được yêu cầu là phải thu 167 USD/công nhân/tháng để đạt được chỉ tiêu hàng năm: 100.000 USD.
Theo tờ Chosun Ilbo, trung bình mỗi lao động Triều Tiên ở nước ngoài kiếm được từ 300 - 1.000 USD/tháng, tùy thuộc vào loại công việc và quốc gia họ tới. 80% trong số đó sẽ được chuyển tới một cơ quan được gọi là Phòng 39 dưới dạng thuế, chi trả bảo hiểm và chi phí nội trú.
Như vậy, trên thực tế, họ chỉ kiếm được từ 60 - 200 USD/tháng, và thậm chí là có thể thấp hơn nữa.
Cũng về vụ việc này, mới đây, hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một nhà ngoại giao Seoul giấu tên cho biết, có khoảng 4.000 lao động Triều Tiên hiện đang làm việc tại các địa điểm xây dựng chính ở ngoại ô thủ đô Cô oét và sống trong các trại kiểu quân đội do Chính phủ Triều Tiên điều hành.
Theo đó, một công nhân xây dựng Triều Tiên ở Cô-oét kiếm được 500 USD/tháng, nhưng khoảng 4/5 số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản do chính phủ quản lý - nó được coi như khoản đóng góp tự nguyện cho những nỗ lực của Chính phủ.
"Mỗi công nhân Triều Tiên, kể từ thợ trát vữa, thợ mộc, thợ hàn đến lái xe tại các công trường, được cho là thực sự chỉ nhận được 100 USD/tháng".
Một khu nghỉ tạm của công nhân Triều Tiên tại Abu Dhabi (Ả Rập)
Một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết rất nhiều lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài bị kiểm soát: "Những công nhân này phải đối mặt với đe dọa bị trả thù lên họ và những người thân ở Triều Tiên nếu cố gắng trốn thoát hoặc phàn nàn với bên ngoài".
Trong khi đó, nguồn tin của Chosun Ilbo cho hay, họ không được rời khỏi trại, không được xem ti vi và thường xuyên bị đánh đập cho tới khi chấp hành kỉ luật. "Những lao động nước ngoài phải làm quần quật 12 - 14 tiếng/ngày và chỉ được nghỉ một ngày trong suốt 2 tuần. Một số phụ nữ bị buộc phải bán dâm".
Cùng với Nga và Trung Quốc, Trung Đông hiện là điểm đến chính cho hoạt động xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Theo Chosun Ilbo, Triều Tiên hiện đang có khoảng từ 40.000 - 120.000 lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên của Chosun Ilbo cho biết "vì số tiền họ gửi về trở thành nguồn thu ngoại tệ duy nhất của Triều Tiên, các cơ quan nhà nước hiện đang tranh cãi nhau quanh vấn đề quyền được gửi lao động sang nước ngoài".
Rất nhiều công nhân Triều Tiên buộc phải thực hiện các phi vụ buôn bán phi pháp như buôn gạc hươu, xạ hương, mật gấu... để kiếm thêm thu nhập, một số bị ép phải bán dâm.
Nguồn: soha