Việt Nam đang trở thành nước nhập siêu của Trung Quốc
Để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đang lên kế hoạch tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm khoảng 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước với 79,3%. Trong đó kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm hơn 18%, các nước đông Á chiếm 56,8%.
Riêng Trung Quốc chiếm hơn 24,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng, Việt Nam xuất siêu khoảng 34 triệu USD tuy nhiên việc xuất siêu trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, sản xuất suy giảm là dấu hiệu cần phải quan tâm để có những chính sách hỗ trợ sản xuất.
Việt Nam đang trở thành nước nhập siêu của Trung Quốc
Hàng Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Ảnh minh họa
Thời gian qua, dư luận không khỏi lo ngại khi không ít sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ, thất thường trong khi hàng hóa từ Trung Quốc kém chất lượng không ngừng tràn vào Việt Nam. Vậy khi Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam có đáng ngại?
Về vấn đề này, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng điều này cũng hết sức tự nhiên và không có gì bất thường. Bởi từ trước tới nay Trung Quốc đã và đang là một bạn hàng lớn, đồng thời là một nước láng giềng của Việt Nam. "Quốc gia này đang vươn lên rất mạnh mẽ. Nếu Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng là chuyện tự nhiên".
Theo ông Hải, nếu nhìn bức tranh nhập khẩu thì thấy rõ hiện chúng ta đang trở thành nước nhập siêu của Trung Quốc. Phải đến 2/3 mặt hàng Trung Quốc đang phục vụ sản xuất, hoặc nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Điển hình như mặt hàng dệt may – đang có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhưng phần lớn các mặt hàng nguyên vật liệu dệt may vẫn đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc, kèm theo đó còn nhiều linh phụ kiện đi kèm khác. Tương tự, các mặt hàng sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ vẫn đang chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về mặt lâu dài, ông Hải cho rằng, cần có sự điều chỉnh cơ cấu theo hướng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần cân bằng cán cân thương mại. Hiện Bộ Công thương đã xây dựng đề án với nhiều hình thức khác nhau, từ xuất khẩu qua các kênh chính ngạch đến các kênh thương mại khác để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Liên quan đến thông tin Việt Nam vừa nhập khẩu 5 tỷ USD từ sản phẩm điện thoại iPhone, ông Hải khẳng định nguồn tin này không có cơ sở. Mặt hàng điện thoại đang nằm trong nhóm các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu. Theo thống kê 9 tháng đầu năm, nhóm hàng nhập khẩu cần hạn chế giảm 6,8% ở tất cả các mặt hàng, trong đó giảm nhiều nhất là xe máy nguyên chiếc giảm 71% và điện thoại di động giảm 34,8%.
"Tổng kim ngạch nhập khẩu trong nhóm cần hạn chế hiện chỉ có 3,85 tỷ USD. Vì thế không thể có chuyện riêng mặt hàng nhập khẩu iPhone đã lên đến 5 tỷ USD được. Mối lo này không xác đáng".
Ngoài ra ông Hải cũng cho rằng, cán cân thương mại của Việt Nam đang tiến tới sự cân bằng. Những năm trước tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam lớn, có năm lên đến 10 tỷ USD. Nhưng bước sang năm 2012 chúng ta đã cân bằng dần được cán cân thương mại, nếu có cũng chỉ xuất siêu với một tỷ lệ rất nhỏ. Lý do vì tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng cao, bên cạnh đó tỷ lệ nhập khẩu đã thấp hơn. Bình thường tỷ lệ nhập khẩu tăng 10%, nhưng thời điểm này chỉ khoảng 6,6%. Vì thế tình hình nhập khẩu hiện nay không có gì bất thường.
Nguyễn Dũng
Infonet
|