R10 Vô Địch Thiên Hạ
Join Date: Nov 2007
Location: LCN
Posts: 55,869
Thanks: 40
Thanked 564 Times in 514 Posts
Mentioned: 2 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 74
|
Người lớn giật mình bị trẻ con săm soi, phê bình
Lâu nay, người lớn thường đau đầu nghĩ cách dậy trẻ con sao cho chúng trở thành những đứa trẻ ngoan, và biết cách cư xử. Tuy nhiên, khi trẻ con quay trở lại « soi » người lớn, không ít lỗi của những bậc làm cha mẹ, thầy cô khiến chúng ta giật mình...
Cơm của cô ngon hơn cơm của con!
Con chị Minh, học lớp 3 của một trường tiểu học ở Hà Nội vốn là một đứa trẻ nhạy cảm. Mọi hành động, cư xử của các bạn và cô giáo ở lớp đều được bé thu nhận và qua lăng kính của một cô trò nhỏ, và nhiều chuyện trở nên khá nghiêm trọng.
Một hôm, trong lúc trò chuyện với mẹ về thức ăn ở trường, bé Linh (con chị Minh) bột phát kể: "Mẹ ơi, món ăn ở trường con chán lắm. Con chỉ muốn được ăn giống cô thôi".
Rồi bé Linh kể cho mẹ nghe, thức ăn của các con mùa đông thì thường xuyên là bắp cải thái chỉ xào với cà chua, thịt lợn xay và canh rau cải. Mùa hè thì rau muống xào, thịt băm và nước canh chua. Trong khi đó, xuất ăn của cô khác hẳn. "Cơm của cô ngon lắm. Hôm thì cô ăn thịt kho trứng, hôm thì cá sốt cà chua, hôm nay, con thấy cô ăn cánh gà rán. Ăn xong, cô còn có sữa chua, hoa quả. Có hôm buổi chiều con còn thấy các cô ăn kem. Bọn con thèm lắm...".
Nghe con nói, chị Minh bỗng cảm thấy ngượng ngùng như chính mình vô duyên, ăn uống thô tục trước mặt con vậy. "Ở nhà, các con thường được bố mẹ cho ăn uống đầy đủ, không bị thiếu thốn gì nên không đến nỗi thèm những món đó. Tuy nhiên, với tình trạng thức ăn ở lớp không được phong phú như hiện nay, thì việc các con thấy cô giáo một mình ăn món ngon trước mặt là một điều cực kỳ phản cảm" - chị Minh chia sẻ.
Theo chị Minh, có thể tiêu chuẩn ăn của các cô cao hơn của các con, nhưng việc ăn uống phải hết sức tế nhị. Hơn nữa, ở Việt Nam, trẻ quen với việc người lớn trong gia đình bao giờ cũng nhường con miếng ngon, nên các con sẽ rất khó hiểu việc các cô được ưu tiên ăn ngon hơn. Nếu không giữ gìn ý tứ thì chính bản thân các cô sẽ đánh mất đi hình ảnh đáng trân trọng của mình trước mặt học sinh.
"Bố sai rồi"
Cũng là chuyện trẻ con "soi" người lớn, việc bố mẹ bị các con "bắt lỗi" có lẽ là phổ biến hơn cả. Con gái chị Hường một hôm về kể với mẹ : Mẹ ơi, hôm nay con thấy bố bắt con làm một việc rất sai trái, nhưng con không dám cãi !
Theo lời con gái thì lúc đang đi đường, con vừa đi vừa uống một hộp sữa. Uống xong, con đang loay hoay tìm thùng rác để bỏ vỏ hộp vào thì bố bảo: "Cứ vứt xuống đường ấy !. Con bé thấy lạ liền bảo: Sao lại vứt rác ra đường hả bố?". "Thì đằng nào ngoài đường chả đầy rác rồi. Vứt xuống đấy, tí người ta quét !».
Con bé buộc phải nghe lời bố, vứt vỏ hộp sữa xuống đường nhưng trong lòng ấm ức và khó hiểu nên về nhà kể cho mẹ nghe và hỏi: Mẹ ơi, sao bố lại bảo con làm như thế nhỉ ?, rồi, cô bé thủ thỉ nói: Con vẫn ngoan, nhưng mà tại bố bắt nên con mới làm thế. Không phải tại con đâu nhé!"
Chị Hường nghe con kể mà không biết giải thích thế nào, bởi vì hàng ngày chị vẫn dậy con là không được vứt rác ra đường, nhưng không thể "dậy chồng" điều đó. Chị đành nói với con một câu: "Ừ, bố sai rồi, để mẹ góp ý với bố".
Con thấy mẹ như thế là không được!
Chị Sinh là một phụ nữ nghiêm khắc và 2 đứa con của chị rất ngoan ngoãn, lễ phép. Có lần, cô con gái (học lớp 2) đã bị cô giáo phạt vì tội cãi nhau với bạn lớp trưởng. Nguyên nhân là vì bạn lớp trưởng này "báo cáo oan" với cô giáo.
Bị cô giáo mắng, cô nàng ức quá mắng lại bạn kia rồi về khóc lóc đòi mẹ chuyển lớp khác. Tối về nhà nghe con kể, chị Sinh giảng giải: Nếu bạn nói chưa đúng thì con bình tĩnh trình bày với cô, không được làm ầm ĩ, cãi nhau với bạn trước lớp như thế! Cô bé vâng vâng dạ dạ, hứa lần sau sẽ... kiềm chế.
Thế rồi, không ngờ có lúc chị Sinh lại bị con gái "phê bình" vì đúng cái lỗi ấy. Cách đây vài hôm, vừa về đến nhà, chị ầm ầm kể cho chồng nghe chuyện hôm nay bị sếp mắng vì tội không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chị Sinh cho rằng đó không phải là lỗi của mình nên đã to tiếng cãi lại. "Em ức quá không chịu được, nói cho ông ấy một trận". Khi được chồng khuyên là cần bình tĩnh thì chị gầm gừ: "Kệ, làm thì làm, chả làm thì em chuyển sang cơ quan khác. Cần gì!».
Đang nói hăng, bất ngờ chị Sinh thấy con gái thỏ thẻ : "Mẹ ơi, con thấy mẹ như thế là không được. Phải bình tĩnh chứ!"
Chị Sinh nghe con gái nói thì giật mình im bặt. Hoá ra, trẻ con chúng cũng rất để ý, mọi hành động, lời nói của người lớn đều được "in" vào trong mắt trẻ và vì thế, mọi lời dạy dỗ sẽ trở nên vô nghĩa nếu người lớn không làm gương cho con trẻ trông vào.
Mỹ Hạnh
|