Doanh nghiệp đói vốn, mức lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp hiện nay. Đã đến lúc mạnh dạn cho tổ chức tín dụng yếu kém phá sản.
Tại diễn đàn về vấn đề giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp diễn ra ngày 20/9, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian gần đây, mắc dù lãi suất đầu ra tuy có giảm, tính thanh khoản tăng nhưng nguồn vốn cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra cũng còn tồn tại một thực tế, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách cho vay với lãi suất thấp rất hấp dẫn nhưng không mấy doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh nguồn vốn khan hiếm và phải chịu mức lãi suất cao hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đang trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
|
Vốn trong ngân hàng nhiều nhưng DN lại không thể tiếp cận. Ảnh minh họa |
TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng đưa ra nhận định, 5% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn cả nước phải giải thể, ngừng hoạt động vì doanh nghiệp đang phải gánh chịu quá nhiều các khoản thuế, phí. Ngoài ra doanh nghiệp cũng luôn phải hứng chịu hậu quả do lạm phát liên tục vì sức mua giảm sút trên thị trường. Trong thời gian tới, lạm phát sẽ quay trở lại là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ về nguồn vốn cho doanh nghiệp, TS. Lai nhận định, tình trạng "bội thực" vốn đã xuất hiện. Chính về yếu tố lợi ích nhóm nên đã xuất hiện tình trạng "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra". Doanh nghiệp nào "quan hệ tốt" với ngân hàng thì sẽ vay được nhiều vốn, với mức vay ưu đãi.
"Chỉ với một công ty con của một tập đoàn có thể vay được vốn hàng nghìn tỷ đồng. Chính lợi ích nhóm đã tạo ra sự khan hiếm của nguồn vốn hiện nay. Vốn trong ngân hàng đang đi theo kiểu công ty tài chính chứ không phải ngân hàng. Nền kinh tế đang bị rơi vào tình cảnh thừa vốn, thừa hàng, thiếu tiền. Vì thiếu tiền nên sức mua giảm, dẫn đến thừa hàng. Vốn trong ngân hàng ứ ra nhưng xã hội lại không có tiền, doanh nghiệp không thể vay được".
Để "cứu" doanh nghiệp lúc này, TS. Lai cho rằng giải pháp trước tiên phải là chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp. Thực tế hiện doanh nghiệp đang phải chịu mức thuế, phí cao gấp từ 1,4 – 3 lần so với các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước phải làm chủ thị trường thực sự.
Ngoài ra nhà nước cũng nên xóa bỏ sở hữu chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng, dỡ bỏ mọi quy định về trần lãi suất. Làm như vậy nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng chạy đua lãi suất, nhưng lúc đó mới thực sự biết được ngân hàng nào nhỏ yếu. Đặc biệt các ngân hàng bắt buộc phải lên sàn, thậm chí nên để cho tổ chức tín dụng yếu kém phá sản.
Ths. Lê Văn Hinh, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng thì thẳng thắn đưa ra nhận định, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn, tài nguyên sẵn có hơn là sáng tạo. Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến vấn đề tài chính cũng như khả năng tự tạo vốn cho doanh nghiệp, dẫn đến lãi suất vay bị đẩy lên cao. Vì thế muốn giải quyết được bài toán vốn, trước tiên doanh nghiệp phải thực hiện cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến từ bên trong.
"Doanh nghiệp không thể lấy vốn để thay cho quản trị. Tăng vốn phải đi liền với tăng cường quản trị, giảm sát việc sử dụng hiệu quả đồng vốn" – ông Hinh nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, tình trạng suy kiệt của nền kinh tế đang là biểu hiện, đồng thời là hệ quả xuất phát từ tình trạng đình đốn trong khối DNVVN. "Tại sao các DNVVN – đối tượng đóng góp trên 50% GDP quốc gia lại gặp khó khăn hơn hết mọi đối tượng khác?".
Vị Phó Chủ tịch này đưa dẫn chứng, tính đến 7/9, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ đạt 1,82%, kém rất xa so với chỉ tiêu 8 – 10% của cả năm. Trong khi tỷ lệ dư nợ ngoại tệ tăng thì tín dụng cho DNVVN lại giảm mạnh. Trong nền kinh tế của Việt Nam không có nhiều DNVVN đáp ứng được các yêu cầu về cho vay tín dụng ngoại tệ, ngoại trừ khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Để cầm cự được từ nay đến cuối năm 2012 và có cơ hội tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2013, DNVVN cần được "tháo khoán" để cải thiện hàng tồn kho, cải thiện sức mua trong nền kinh tế. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần được đáp ứng nhu cầu vốn đầy đủ với mức lãi suất hợp lý để sớm lấy lại những ưu thế của nền kinh tế vốn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực" – ông Nam kiến nghị.
Thành Nam
Infonet