- Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã nhắc lại lời kêu gọi về việc phát triển máy bay siêu vượt âm phục vụ cho Tổ hợp hàng không ném bom tầm xa cho tương lai PAK-DA.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần ủng hộ công nghệ siêu vượt âm (hypersonic). Chúng ta sẽ không bị tụt lại phía sau so với người Mỹ", ông Rogozin nói trên kênh truyền hình TV Rossiya 24 hôm qua. "Chúng ta sẽ sử dụng công nghệ này khi phát triển máy bay ném bom mới".
Tổ hợp hàng không quân sự tầm xa là rất quan trọng đối với nước Nga và "câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ sao chép kinh nghiệm 40 năm của người Mỹ và tạo ra một máy bay tương tự như Northrop B-2 của họ,...hay chúng ta sẽ tự tìm ra một công nghệ tối tân để tạo ra loại máy bay có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không và giáng đòn vào bất kỳ kẻ xâm lược nào", ông Rogozin nói.
Tuyên bố mới nhất của ông Rogozin được đưa ra chỉ ít ngày sau khi vụ thử nghiệm phương tiện bay không người lái siêu vượt âm X-51 Waverider của Mỹ thất bại. Mục đích của vụ thử nghiệm là để chứng minh Waverider có thể bay khoảng 5 phút ở tốc độ siêu vượt âm bằng cách sử dụng một động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scamjet).
Đồ họa máy bay ném bom tầm xa PAK-DA
Tư lệnh Lực lượng Không quân Tầm xa Nga, Trung tướng Anatoly Zhikharev trước đó đã nói rằng, máy bay ném bom tầm xa PAK-DA đầu tiên sẽ đi vào phục vụ khoảng năm 2020, và việc thiết kế hiện đang được thực hiện. Phòng thiết kế Tupolev của Nga - nơi đã thiết kế hầu hết các máy bay ném bom tầm xa như Tu-95MS, Tu-22M3 và Tu-160 đang chỉ đạo chương trình này.
Trong tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh phát triển một máy bay ném bom tầm xa mới cho hàng không chiến lược.
Nhưng khi đó, Phó Thủ tướng Rogozin cho rằng không cần PAK-DA để thay thế những máy bay mang tên lửa hành trình Tu-95MS và máy bay ném bom siêu âm Tu-160 đã già cỗi của không quân Nga. "Loại máy bay này rồi sẽ khó đạt được thành công. Cả của chúng ta lẫn của họ", ông Rogozin nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia.
Sau đó, ông Rogozin đã đính chính lại là ông ủng hộ việc phát triển máy bay ném bom tương lai, nhưng nó sẽ không được là bản sao của B-2 và sẽ sử dụng công nghệ siêu vượt âm.
Trong tháng 5, ông Rogozin kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng Nga phát triển vũ khí hút không khí siêu vượt âm như một hệ thống tấn công tương lai. Ông nêu ra những ví dụ điển hình về các chương trình vũ khí siêu vượt âm mà người Mỹ đang thực hiện như X-51, Falcon, HiFire và HyFly và mô tả đó là các mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga.
Dự án ngoài tầm với?
Một số chuyên gia hàng không vũ trụ cho rằng, tuyên bố của ông Rogozin nhiều khả năng có liên quan tới một tên lửa hàng không tương lai chứ không phải một máy bay ném bom.
"Tôi rất nghi ngờ khả năng có thể tạo ra một máy bay ném bom siêu vượt âm vào năm 2020. Máy bay ném bom siêu âm thì có thể, nhưng siêu vượt âm thì không. Có lẽ ông ấy (Rogozin) đang nói về một tên lửa", Maxim Pyadushkin, biên tập viên tạp chí hàng không Russia/CIS Observer bình luận.
Theo ông Douglas Barrie, một chuyên gia phân tích chiến tranh không quân từ Viện nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại London, trong thời kỳ Xô Viết, đã có nghiên cứu đáng kể về vũ khí tốc độ cao, với đỉnh cao là dự án như Raduga Kh-90 hay đôi khi còn được gọi là GELA.
"Không dự án nào mang lại kết quả là một vũ khí được đưa vào sử dụng. Một số hạng mục của các dự án này có thể được tái sử dụng là cơ sở cho PAK-DA trong 10-15 năm tới. Nếu đủ kinh phí cần thiết để hoàn thành, PAK-DA có thể đạt tốc độ cao nhất là siêu âm, nếu không, nó có thể đạt tốc độ cận âm với một số đặc điểm tàng hình", ông nói thêm.
Yến Phạm (theo RIA Novosti)