Lâm Thái Vương (sinh năm 1988), gương mặt trẻ nhất nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011 trở thành triệu phú, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng nhờ nuôi cá sấu.
Lập nghiệp với chăn nuôi
Vương sinh ra và lớn lên ở ấp Xa Mau 1, thị trấn Phụ Lộc, huyện Thanh Trị (Sóc Trăng) trong gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, nguồn thu chính là mấy sào ruộng, nấu rượu, tận dụng cám bã nuôi heo thịt.
“Công việc luôn tay luôn chân, cả nhà cực khổ mà không thu được mấy đồng”, Vương chia sẻ. Đến năm lớp 11, Lâm Thái Vương nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ. Siêng năng chịu khó, thêm người đỡ đần nhưng vẫn nghèo đói.
Sau nhiều ngày nghĩ cách vượt khó, Vương quyết định chuyển từ nuôi heo thịt sang heo nái. Vương tính để xuất được một lứa heo thịt tốn nhiều thời gian chăn nuôi, chi phí thức ăn hơn. Mỗi lần xuất chuồng, lời lãi không được nhiều như nuôi heo nái.
Vương chuyển hướng, đầu tư nuôi heo chăm sóc ngắn ngày rồi xuất. Có lưng vốn 20 triệu đồng, Vương mua 3 heo nái.
Chịu khó học hỏi từ những người chăn nuôi dày dạn kinh nghiệm lại chịu khó nghiên cứu tài liệu, Vương chăm sóc heo nái, heo con thành công. Sau một năm, Vương thu về 50 triệu đồng lãi.
Vương nuôi heo mát tay có tiếng nên khá đắt hàng, được lứa nào bán hết lứa đó. Mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng, nhưng triệu phú heo nái Lâm Thái Vương quyết tâm làm giàu hơn nữa với chăn nuôi cá sấu.
Lâm Thái Vương bên chuồng nuôi cá sấu của mình.
Dấn thân
Lâm Thái Vương được biết đến là người thứ hai nuôi cá sấu trong vùng. Năm 2005, từ tiền lãi nuôi heo, Vương chuyển hướng nuôi 20 con cá sấu. Vương tiếp tục hành trình học hỏi, chăm sóc vật nuôi mới.
Chàng trai vốn ham mê bóng đá cắt hết thời gian ra sân để lăn lộn với chuồng, ao, bùn lầy. Nếu Vương không đeo bám, học hỏi kinh nghiệm, can đảm vượt khó khăn để gắn bó với cá sấu, chỉ sơ suất là bị chúng tấn công.
Những ngày mưa bão, Vương và cả gia đình mất ăn mất ngủ vì lo cá sấu xổng chuồng. Vừa học hỏi vừa tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại, đầu tư, sau 7 năm, Vương đã có tới 300 con cá sấu.
Mỗi lứa Vương dành từ 16 - 18 tháng chăn nuôi, trừ các khoản chi phí, thu lãi 250 triệu đồng. Tổng số tiền lãi chăn nuôi từ heo và cá sấu trung bình mỗi năm trên 300 triệu đồng. Vương tạo việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trong xã.
Vương vẫn luôn cho rằng mình thật liều lĩnh. Ít vốn, không trường lớp, kiến thức về chăn nuôi hạn chế nhưng vẫn nuôi cá sấu. “Lúc đầu tìm đến những hộ chăn nuôi cá sấu ở vùng lân cận, học hỏi người có kinh nghiệm, thế là tôi say, quyết định bắt con giống về nuôi luôn”, Vương kể.
Giờ đây, Vương đọc được các triệu chứng, xử lý, chữa trị tất cả những bệnh thường gặp của cá sấu. Anh kể những thói quen, giờ ăn, ngủ của chúng như những câu chuyện hàng ngày của bản thân mà anh yêu thích.
Vương cười bảo, bí quyết thành công của anh là không bí quyết gì cả. Đó hoàn toàn là quyết tâm thoát nghèo và niềm đam mê, gắn bó với nghề chăn nuôi. Trở thành triệu phú trẻ nhất vùng quê còn nhiều khó khăn, Vương chưa vội lập gia đình như bạn bè cùng trang lứa vì muốn tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Theo Tiền Phong