Sự thất bại trong điều hành chính sách của Fed và ECB
Sự chần chừ và thiếu quyết đoán trong hành động của NHTW châu Âu và Mỹ khiến tình hình càng trở nên tồi tệ là không thể tha thứ.
Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha không còn sự lựa chọn nào khác là phải gắn chặt với các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, những đợt cắt giảm mạnh tay ở Tây Ban Nha và Italia trở nên không hiệu quả và vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Có thể Đức và Pháp không thể nhất trí về các biện pháp kích thích tài khóa, tuy nhiên, một lần nữa các nỗ lực tập trung vào tài khóa trong dài hạn và xem nhẹ các thâm hụt ngân sách tại thời điểm này có vẻ như là sự lựa chọn khôn ngoan. Mỗi ngày, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại lập một đáy mới. Đây dường như là cơ hội rất tốt để tiến hành những khoản đầu tư vốn mà Chính phủ chưa thực hiện được bấy lâu nay. Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ Mỹ không làm như vậy. Thay vào đó, sự tê liệt bao trùm và rất có thể ngân sách sẽ sụt giảm mạnh vào cuối năm và gây ra cuộc chiến trần nợ.
Các ngân hàng trung ương được mặc định là hành động độc lập với các ảnh hưởng chính trị và chính sách tiền tệ có thể bù đắp những lỗi lầm của chính sách tài khóa. Xét trên khía cạnh này cùng với hiện trạng kinh tế thế giới hiện nay, ECB và Fed không thể được tha thứ.
Sự thất bại của ECB có lẽ là điều dễ hiểu hơn nếu xét đến tình hình tài khóa và chính trị tồi tệ của châu Âu. Eurozone đang ở trong cuộc suy thoái trầm trọng. Lạm phát giảm, thậm chí còn xuất hiện nguy cơ giảm phát khi giá hàng hóa sụt giảm. Cùng lúc đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng trên toàn khu vực. Thất nghiệp tăng hơn 5 điểm phần trăm ở Hy Lạp, hơn 4 điểm phần trăm ở Tây Ban Nha và hơn 2 điểm phần trăm ở Italia và Bồ Đào Nha. Bỉ, Pháp và Hà Lan cũng ghi nhận xu hướng tăng.
Phản ứng của ECB bị hạn chế khá nhiều. Lãi suất cho vay cơ bản ở mức 1% trong nhiều tháng nay. Các chương trình tái cấp vốn dài hạn được sử dụng rộng rãi nhằm ngăn chặn thảm họa tài chính. Dòng vốn tháo chạy khỏi các ngân hàng trên toàn khu vực, các kênh thực hiện chính sách tiền tệ bị phá vỡ. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu các lãnh đạo ECB cẩn trọng trong việc thực thi chính sách trừ khi có các hành động quyết đoán từ các chính trị gia.
Tuy nhiên, ở Mỹ, chủ tịch Fed Ben Bernanke đã cố gắng giảm bớt trách nhiệm cá nhân bằng cách nhiều lần can thiệp khi tình hình xấu nghiêm trọng. Fed gánh trách nhiệm lớn nhất đối với tình hình thảm hại của nước Mỹ nhưng Bernanke luôn né tránh đưa ra lời khuyên để kích thích kinh tế trong khi lãi suất ở mức gần 0. Mặc dù lạm phát kỳ vọng đóng vai trò quan trọng đối với sự hồi phục của nền kinh tế, Fed hành xử như thế đang hướng tới mức trần lạm phát 2% chứ không phải mục tiêu lạm phát 2%. Với nền kinh tế Mỹ vướng phải quá nhiều trì trệ, chiến thuật của Fed chỉ khiến lạm phát giảm xuống.
Như vậy, tình hình hiện nay là : rất nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp phải khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao phổ biến ở các nước giàu, các điều kiện tài chính ngày càng bị xói mòn và hệ thống chính trị bị tê liệt. Nhà đầu tư đổ dồn vào một số tài sản trông có vẻ an toàn, diễn biến của giá hàng hóa, chứng khoán và tiền tệ cho thấy lượng cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Trong khi đó, NHTW có vai trò quan trọng nhất thế giới bối rối trong việc quyết định có nên hành động hay không do lo ngại lạm phát. Fed lo sợ sẽ phải kiềm chế lạm phát như họ đã từng làm trong đầu những năm 1980. Tuy nhiên, sự lo lắng này là không cần thiết bởi tình hình kinh tế hiện nay đã khác nhiều so với những năm 1980 sau cuộc khủng hoảng tồi tệ năm 2008.
Thu Hương
Theo TTVN/Economist
|