Được "qua đêm" với bạn đời đang bị tù, hay các tù nhân được nuôi chó... là những chương trình nhà tù "lạ" trên thế giới.
Không lâu trước đây, hầu hết các tù nhân đều phải ăn bánh mỳ, bị xích chung với nhau suốt cả ngày và lao động nặng nhọc. Ngày nay, các nhà tù rất khác và nhiều chương trình về nhà tù (một số khá lạ lùng) được áp dụng khi mà nhà tù không còn là nơi để trừng phạt mà chuyển thành trại phục hồi nhân phẩm.
Những đứa trẻ sinh ra sau song sắt
Đầu những năm 1990, Chính phủ thành phố Mexico quyết định việc những đứa trẻ được sinh tra trong nhà tù, sống và đón nhận tình yêu thương từ những người mẹ tù tội của mình cho tới năm 6 tuổi, sẽ tốt hơn là giao chúng cho họ hàng hay cha mẹ nuôi. Những đứa trẻ này được phép ra ngoài vào cuối tuần và những ngày lễ để về thăm họ hàng. Nhiều tranh cãi bởi các chuyên gia trong nước cho rằng liệu những đứa trẻ phải sống cuộc sống đầu đời sau song sắt có ảnh hưởng đến tâm lý của chúng sau này, nhưng luật đã quy định những đứa trẻ phải được sống chung với mẹ của mình.
Đứa trẻ lớn lên trong nhà tù Mexico.
Tại bang Ohio, Mỹ, Chính phủ đưa vào thử nghiệm chương trình có tên Achieving Baby Care Success, bắt đầu vào tháng 6/2001. 12 bà mẹ phạm tội đã tham gia vào chương trình này. Những đứa trẻ ngủ trong cũi đặt ngay trong phòng giam của mẹ.
Hòa giải cho nạn nhân và người phạm tội
Các nhà tù tại Mỹ đã đưa chương trình hòa giải cho phạm nhân và bị hại được trực tiếp nói chuyện với nhau, với sự hiện diện của nhân viên hòa giải có kinh nghiệm, đôi khi có sự tham gia của gia đình và các thành viên cộng đồng. Nạn nhân và đối tượng gây án hai cùng nói về những chuyện đã xảy ra. Nạn nhân có thể đặt câu hỏi cho kẻ phạm tội, nói lên cảm giác của họ từ sau khi vụ việc xảy ra, mục đích là để cho thủ phạm nhận trách nhiệm cho hành động của mình. Kẻ gây tội cũng nói lên cảm giác và mong muốn của mình. Chuyên gia cũng có mặt trong buổi nói chuyện để giải quyết nếu có xảy ra tranh cãi.
Cuộc đối thoại đôi khi có sự tham gia của gia đình hay các thành viên cộng đồng.
Cả nạn nhân và kẻ gây án có thể cùng thảo luận đưa ra một kế hoạch chung để cùng vượt qua những hậu quả gây ra sau vụ án. Kết thúc buổi nói chuyện, cả bị hại và thủ phạm đều dược đưa ra yêu cầu của mình cho người kia.
Nhà tù hình thức trại tập huấn cho tội phạm vị thành niên
Những năm 1980, các trại huấn luyện quân sự được hình thành tại các nhà tù giam giữ trẻ vị thành niên. Nhà tù New Orleans (Mỹ) lần đầu tiên đưa hình thức trại huấn luyện như vậy vào năm 1984; chỉ trong một vài năm, đã có vài trăm trại được hình thành ở 33 bang. Những đối tượng được tham gia huấn luyện là những tội phạm không bạo lực, phạm nhân đang phải đối mặt với án tù dài hơi. Thay vì phải ngồi tù 3-10 năm trong tù, họ có thể được huấn luyện trong thời gian là 30-180 ngày.
Những tội phạm được huấn luyện quân sự.
Chương trình này nhận được sự ủng hộ của người dân, cũng như cơ quan lập pháp bang vì tính hiệu quả và tiết kiệm được hàng triệu USD chi phí nhà tù. Một số trại tập huấn còn đưa ra chương trình đào tạo việc làm, dạy học và điều trị lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, nó cũng gây không ít làn sóng phẫn nộ trong dư luận sau khi hàng nghìn câu chuyện về sự bạo hành và ngược đã đã bắt đầu tran lan trên các phương tin thông tin đại chúng. Nhiều người còn gọi đó là “sự cầm tù gây sốc thời hiện đại”. Hơn 30 tù nhân đã tử vong sau khi nhận được sự đào tạo này. Vụ việc kinh hoàng nhất xảy ra tại bang Florida hôm 5/1/2006. Một cậu bé có tên Martin Lee Anderson, 14 tuổi, đã tử vong khi đang tập chạy tại tập huấn thuộc Văn phòng cảnh sát trưởng quận Bay.
Nuôi chó trong tù
Các tù nhân bị giam giữ tại Trung tâm Asahi Shakai Fukki Sokushin (Trung tâm bảo trợ xã hội Shimane Asahi) ở Nhật Bản, được tham gia vào chương trình huấn luyện chó cho người mù. Các tù nhân sẽ được nuôi chó từ khi chúng còn nhỏ ở trong tù, được dạy cách đào tạo chó dẫn đường và biết vâng lời chủ.
Những chú chó được nuôi và huấn luyện trong tù.
Những chương trình tương tự cũng đã được đưa vào các nhà tù ở Mỹ, và những chương trình này cũng đạt được hiệu quả nhất định như giảm tình trạng bạo lực giữa các tù nhân và nâng cao ý thức trách nhiệm.
Chốn riêng tư cho vợ chồng
Thăm non "qua đêm" với vợ (chồng) đang chịu cảnh tù tội là một chương trình mở rộng. Một tù nhân được phép dành nhiều giờ hay vài ngày trong một căn phòng kín đáo với người bạn đời khi đến thăm nom, thậm chí họ có thể quan hệ chăn gối ngay tại căn phòng nhỏ đó. Về cơ bản, chương trình này giúp gìn giữ gia đình, tăng cơ hội hoàn lương cho tù nhân sau khi trở về cuộc sống đời thường.
Phòng thăm tù được trang trí như buồng ngủ.
Tại Mỹ, các tù nhân phải đáp ứng những yêu cầu nhất định khi được hưởng đặc ân này, chẳng hạn không vi phạm nội quy trại trong 6 tháng trở lại đây và có tư cách đạo đức tốt. Những phạm nhân bị giam giữ trong các trại giam có mức độ an ninh trung bình, và các tử tù sẽ không được phép hưởng những đặc ân này. New York, California, Mississippi, Washington, Connecticut, và New Mexico là 6 bang duy nhất còn cho phép thăm nom vợ chồng riêng tư như vậy. Cũng có những quy định và yêu cầu nghiêm ngặt, từ hành vi tới chiều hướng tình dục và tình trạng bệnh tật. Tại Pháp và Canada, những căn phòng trang trí như buồng ngủ hay không gian như ở nhà rất ấm cúng. Ở Brazil, các phạm nhân nam còn được “riêng tư” với cả người đồng giới và khác giới.
Đưa thiền vào đời sống phạm nhân
Nhiều nhà tù trên thế giới đã đưa những khóa thiền, gồm ngồi thiền, yoga, cầu nguyện..., vào chương trình giáo dục của các nhà tù nhằm giúp cả tù nhân và nhân viên trại giam giải tỏa căng thẳng, phạm nhân có điều kiện tu tâm, cải thiện tâm tánh, hành vi và vượt thoát ra những khổ đau ở hiện tại.
Buổi tập yoga của các tù nhân ở Mỹ.
Tù nhân phải trả tiền để có phòng riêng
Nhà tù San Pedro ở La Paz (Bolivia) là ngôi nhà chung của 1.500 tù nhân. Những tù nhân ở đây, họ không bị đối xử tàn tệ, không bị bóc lột sức lao động, và cũng không có chuyện tranh giành miếng ăn, chỗ nằm. Mỗi tù nhân sống trong nhà tù này đều có một công việc làm, họ có thể kiếm được tiền để thuê cho mình một "phòng riêng". Nhiều đứa trẻ còn được sống trong nhà tù cùng với cha của mình.
Quang cảnh nhà tù trông giống như một khu phố.
Nhà tù này cũng không giống như những nhà tù bình thường khác. Ở đó, những đứa trẻ được chơi đùa, có các quầy hàng, nhà ăn, tiệm cắt tóc và có cả một nhà nghỉ. Hầu như hhông có lính gác, đồng phục tù và thanh sắt hoặc dây thép gai gắn trên các cửa sổ phòng giam. Nhưng để có được sự tự do này, các tù nhân phải mua nó với một mức giá nào đó. Thân nhân của người tù có thể đến sống trong trại, bán hàng tạp phẩm và làm việc tại cửa hàng ăn.
Nơi tù nhân được sống chung với gia đình
Nhà tù Aranjuez ở Tây Ban Nha là nơi duy nhất trên thế giới có tổ chức gia đình trong tù. Phòng giam rất sinh động với các nhân vật hoạt hình dán trên tường. Nơi đây còn có y tá, sân chơi cho trẻ nhỏ.
Nhà tù gia đình ấm cúng.
Ý tưởng này giúp lũ trẻ gắn bó với cha mẹ là tù nhân khi chúng còn nhỏ và giúp các tù nhân học kỹ năng làm cha mẹ, phục hồi nhân phẩm.
M.Khuê - ĐấtViệt