Anh Đặng Văn Minh bị mảnh kính cắm vào đùi. Người nhà đã rút mảnh kính ra. Máu chảy nhiều, anh Minh suýt tử vong.
Vết thương chảy máu là những thương tổn dễ gặp phải nhất trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều người vì không biết sơ cứu đúng cách đã gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Mỗi ngày khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu. Trong đó, số bệnh nhân phải cấp cứu vì vết thương chảy máu bị biến chứng do quá trình sơ cứu không đúng cách luôn chiếm tỷ lệ cao khoảng 50-60%. Nguyên nhân chính là do quá trình sơ cứu tại chỗ, khi bệnh nhân gặp nạn không được tiến hành đúng quy cách.
Suýt chết vì tự ý rút mảnh kính cắm ở đùi
Đó là trường hợp của bệnh nhân Đặng Văn Minh, 43 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên đang điều trị ở Khoa Ngoại, BV Bạch Mai (Hà Nội).
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh Đặng Văn Minh bị thương trong lúc đi lắp cửa kính thuê cho một gia đình trong làng. Lúc anh trèo lên lắp kính thì không may bị trượt chân ngã xuống nền nhà và tấm kính cầm trên tay anh cũng vỡ vụn,đâm dính sâu vào đùi trái của anh.
Thấy mảnh kính đâm sâu vào đùi không làm cách nào để băng bó được vết thương, những người đi làm cùng với anh Minh đã vội vàng rút mảnh kính trên đùi anh ra. Tuy nhiên, khi rút mảnh kính ra, máu từ vết thương được dịp tuôn xối xả và không cách nào cầm được máu.
Anh Minh được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Hưng Yên để băng bó và cầm máu vết thương. Tuy nhiên, khi đến BV, anh Minh đã gần như kiệt sức, mặt tái xanh và dần lịm đi, bất tỉnh không biết gì nữa. Sau khi tiến hành sơ cứu, cầm máu, truyền máu, ngay lập tức, các bác sỹ ở đây đã chuyển anh Minh lên tuyến trên để cấp cứu.
“Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng rất nguy hiểm do mất máu quá nhiều nên đã kiệt sức. Chỉ chậm một chút nữa thôi, bệnh nhân sẽ tử vong. Vết thương rộng và sâu, mảnh kính đâm chúng mạch máu làm đứt động mạnh chính ở đùi.
Khi rút mảnh kính ra, bệnh nhân lại không được tiến hành sơ cứu, cấp cứu đúng cách để cầm máu nên mất máu rất nhiều, tụt huyết áp, hồng cầu, tiểu cầu đều tụt thấp…”, bác sỹ Nguyễn Hoàng Nam, Khoa Ngoại, BV Bạch Mai trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Minh cho biết.
Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ cấp cứu, anh Đặng Văn Minh mới qua khỏi cơn nguy kịch. “Chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới cấp cứu thành công cho trường hợp bệnh nhân này. Ngoài việc cho bệnh nhân thở máy oxy, truyền máu, truyền tiểu cầu, hồng cầu…, chúng tôi còn tiến hành phẫu thuật nối động mạch chính, khâu vết thương…”, bác sỹ Nam cho biết thêm.
“Với những trường hợp bệnh nhân bị vết thương chảy máu có dị vật cần được sơ cứu rất cẩn thận. Bệnh nhân, người nhà tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra khỏi vết thương mà chỉ nên tiến hành các thao tác vệ sinh, cầm máu cho bệnh nhân, như: Tay mang găng vô trùng, ép chặt mép vết thương, chèn băng, gạc quanh dị vật và băng cố định (không băng trùm qua dị vật) và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV gần nhất để cấp cứu, tránh trường hợp gặp những tai biến đáng tiếc sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sỹ Nam khuyến cáo.
Những điều cần lưu ý trong quá trình sơ cứu: - Không nên làm garo (xoắn chặt) nếu không phải là vết thương dập nát hoặc đứt lìa, chảy nhiều máu.
- Không nên vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế ngay mà nên sơ cứu tại chỗ trước để hạn chế thương tổn.
- Trong một số trường hợp bất khả kháng, chỉ nên vận chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường khi hiện trường không an toàn.
- Tuyệt đối không được tự ý rút dị vật trong vết thương ra ngoài.
- Sử dụng bông băng, gạc sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh để băng bó vết thương
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
|
VTCNEW