Đây cũng là cây dã hương quý hiếm, lớn thứ hai miền Bắc và chung cội nguồn với cây dã hương nghìn tuổi ở Bắc Giang.
Người làng quen gọi là “cây xoan dã”. Ảnh: PV
Không nổi tiếng đến độ được vua ban sắc phong nhưng cây “mộc hương” (hay còn gọi là cây “xoan dã”, “dã hương”) lại là niềm tự hào bao đời của người dân làng Yên Nhân- Ý Yên, Nam Định.
Đây cũng là cây dã hương quý hiếm, lớn thứ hai miền Bắc và chung cội nguồn với cây dã hương nghìn tuổi ở Bắc Giang. Bao nhiêu năm qua, cây dã hương khổng lồ này vẫn tồn tại bên cạnh ngôi miếu thờ thứ phi của vua Lê Thánh Tông và ẩn hiện trong những câu chuyện lịch sử nửa hư nửa thực.
Sự tích cây thiêng
Tuy nhỏ hơn cây dã hương ở Bắc Giang nhưng cây dã hương thôn Dương Phạm lại có dáng vẻ kỳ thú, đẹp mắt. Vòng tròn gốc đo được là 11m (cây dã hương ở Bắc Giang 12,5m), chiều cao khoảng 28m (cây dã hương ở Bắc Giang là 36m), tán rộng khoảng 30m. Đặc biệt, gốc cây dã hương này có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua nổi trên mặt đất. Trong đó, có hai rễ lùa lớn ôm vào phần hậu chẩm ngôi miếu như hai cánh tay rồng.
Là cây cổ thụ “khổng lồ” nhất làng nên chỉ cần đến đầu địa phận làng Yên Nhân ta đã có thể quan sát rõ ngọn cây dã hương. Cây tồn tại trên một khu đất rộng chừng 1.500m2, xung quanh được bao bọc bởi những tường vôi xanh rêu. Người làng quen gọi là “cây xoan dã” bên miếu “vua bà”.
Theo ngọc phả làng Yên Nhân thì người được gọi là “vua bà” hay “Đức chúa Hoàng cô” chính là bà Ngô Thị Nữ Hoằng – thứ phi của vua Lê Thánh Tông. Bà Ngô Thị Nữ Hoằng vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Dương Phạm (Yên Nhân), có cha là Ngô Công Tước và mẹ là Nguyễn Thị Thái.
Thuở nhỏ, bà thường hay theo cha mẹ ra cửa sông Đại An cạnh nhà để chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc... Mùa xuân năm 1468, khi bà vừa tròn 19 tuổi, trong một lần bà đang ngồi nghỉ trên khu đất cổ mã (khu đất có hình như cổ ngựa - PV) thì gặp thuyền của vua Lê đi dọc bờ sông. Lính theo hầu thấy có một cô gái thôn quê xinh xắn, vừa ngồi cầm liềm vừa hát, liền buông lời “ghẹo” bằng cách hát đối đáp: “Cô cầm bán nguyệt bên sông/Có muốn sung sướng đi cùng với ta”. Bà đáp lại: “Ta cầm bán nguyệt xênh xang/ Lòng ta còn muốn mở mang cơ đồ/ Người đi thì cứ việc đi/ Giàu sang ta chẳng có gì mộng mơ/ Người về thì cứ việc về/ Giàu sang phú quý, ta chẳng hề nghĩ chi”.
Vua thấy người con gái thôn quê có tướng mạo đoan trang, dung nhan khác lạ, khẩu khí ngang tàng, ứng đối lưu loát, tư chất thông minh... liền cho quân ghé thuyền xuống trò chuyện, hỏi tên tuổi. Sau khi về triều, vua Lê cho quân rước bà đi. Khi vào cung, vua phong cho bà làm thứ phi nhưng được bốn năm sau, khi chưa kịp có con thì bà qua đời. Trước khi mất, bà có thỉnh cầu nhà vua một điều: “Vì thiếp chưa sinh được hoàng nam nối dõi nên khi sống ở nơi đất mẹ thì chết thiếp cũng muốn được yên nghỉ trên chính mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên”. Chấp nhận thỉnh cầu, vua cho thuyền rồng chở thi hài bà về quê và cấp đá ngũ sắc để xây lăng cho bà. Tuy nhiên, đúng ngày nội tộc thân thích và xóm làng rước thi hài bà ra khu lăng mộ thì gặp mưa to gió lớn, không thể đi nổi. Mọi người đành để tạm quan tài bà ở vị trí của cây dã hương hiện tại nhưng khi tạnh mưa, dân làng ra đến nơi thì chỗ đặt quan tài đã đùn thành tổ mối, họ đành an táng bà luôn ở đó. Sợ bị mất dấu (nơi này nguyên thủy là một khu rừng rậm rạp – PV) những người thân tộc đã trồng bên cạnh khu lăng mộ của bà một cây dã hương. Cũng có thuyết nói, cây tự mọc lên sau khi mộ bà hóa thành tổ mối khổng lồ.
Không ai biết đích xác cây tự mọc một cách tự nhiên hay được ai đó trồng để đánh dấu nhưng rõ ràng cây đã xuất hiện cùng thời điểm với lăng mộ của bà thứ phi. Và nếu dựa vào cột mốc đó thì tính đến nay cây dã hương này đã hơn 530 tuổi.
Rất nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai xung quanh cây dã hương này.
Một góc miếu thờ “vua bà”.
Cũng theo các cụ cao niên của thôn Dương Phạm thì trước năm 1950, toàn bộ khu đất nơi có lăng mộ vua bà và cây dã hương hiện nay là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Ngay dưới gốc cây dã hương này từng là nơi trú ngụ của một con trăn lớn (có thuyết nói là hai con mãng xà màu xanh và màu trắng). Các vật nuôi như: gà, vịt, chó, mèo, lợn... nếu đi lạc vào khu đất này thường không bao giờ quay trở lại. Ngay cả trẻ em đi lạc vào đây cũng rất khó tìm được lối ra. Cũng chính vì thế, một thời người ta xem đây là “khu rừng chết”, không ai dám bén mảng lại gần, kể cả ban ngày. Lăng vua bà do đó cũng hương tàn khói lạnh một thời gian dài. Còn cây dã hương thì bị xem như một “ông cây” đáng sợ. Đến năm 1949, giặc Pháp đã cho quân chặt phá cây cối, san bằng địa khu rừng rậm rạp này để ngăn không cho các đội du kích ẩn mình trong đó. Chỉ riêng cây dã hương và ngôi miếu nhỏ thờ bà thứ phi là không ai dám đụng đến nên mới tồn tại cho đến bây giờ.
8 người ôm gốc cây không xuể
Theo ông Nguyễn Sinh Nhiên (78 tuổi) – một người dân ở đây cho biết, sau khi khu rừng bị đốn hạ hết chỉ còn lại cây dã hương thì người dân làng Yên Nhân ra sức chăm sóc và bảo vệ. Tuy nhiên, người dân không hề hay biết đây là loài cây rất quý hiếm. Mãi đến năm 2005, khi cây bị mối mọt gây hại, có nguy cơ bị chết thì các cơ quan chức trách mới phát hiện ra cây thuộc họ long não rất quý hiếm, được liệt vào Sách Đỏ cần được bảo vệ của thế giới. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sau đó cũng đã nghiên cứu, giám định các tiêu bản: cành, lá, vỏ cây, gỗ... và kết luận: Cây cùng loài với cây dã hương ở Bắc Giang.
Quan sát kỹ, cây có vỏ ngoài màu xám trắng pha lẫn nâu. Thân cây nứt dọc thành rãnh sâu, thịt vỏ có màu hồng nhạt, tất các các bộ phận của cây đều có chứa tinh dầu có mùi thơm đặc trưng của dòng long não. Về kích thước, tuy nhỏ hơn cây dã hương ở Bắc Giang nhưng cây dã hương thôn Dương Phạm lại có dáng vẻ kỳ thú, đẹp mắt. Vòng tròn gốc đo được là 11m (cây dã hương ở Bắc Giang 12,5m), chiều cao khoảng 28m (cây dã hương ở Bắc Giang là 36m), tán rộng khoảng 30m. Đặc biệt, gốc cây dã hương này có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua nổi trên mặt đất. Trong đó, có hai rễ lùa lớn ôm vào phần hậu chẩm ngôi miếu như hai cánh tay rồng. Trên thân cây (cách gốc khoảng 8m) có một cây sanh to sống ký sinh, rễ cắm xuống đất to bằng cả vòng tay ôm. Cây sanh này quấn và leo bám gần kín phần thân cây phía Tây, tạo nên một cảnh sống cộng sinh khá độc đáo.
Cũng theo ông Nguyễn Sinh Nhiên thì cây dã hương thường ra hoa vào tháng 2 và rụng quả vào tháng 11. Nếu lượm quả rụng đem ươm tại vườn thì tỷ lệ hạt nảy mầm thường khoảng 10%. Người dân trong làng vẫn thường đến nhặt các cành khô rơi dưới gốc cây về đốt thay trầm vào mỗi dịp Tết cổ truyền.
“Cho đến bây giờ người làng vẫn còn giữ thói quen mỗi lần có bệnh lại đến đây khấn xin bà một ít lá cây, cành cây để về chữa bệnh. Ai cảm thì xin lá về xông, ai bị ngứa thì xin về nấu lên để tắm, ai bị đau nhức thì về giã ra rồi xoa bóp. Có người còn nhặt hạt và vỏ cây về ngâm rượu để chữa bệnh sâu răng...” – ông Nhiên thật lòng thổ lộ.
Cây thuộc họ long não rất quý hiếm, được liệt vào “Sách Đỏ”.
Qua hơn năm thế kỷ, trải qua không ít lần “thập tử nhất sinh” cây dã hương vẫn sừng sững hiên ngang. Ảnh: TG
Một số cụ già trong làng Yên Nhân khẳng định, ngày xưa cây có rất nhiều loài chim đến trú ngụ trên ngọn cây, trong đó nhiều nhất là quạ và sáo đen. Ngay cả thời điểm những bụi cây rậm quanh lăng bà được đốn hạ thì muông thú vẫn tìm về đây trú ngụ rất nhiều. Tuy nhiên, khi một số người đến đây săn bắn các loại cầm thú về gặp phải những tai nạn khó hiểu thì không ai dám đến đây săn bắn nữa. Trước đây, khi vào các mùa mưa bão do không được chằng chống nên cây thường bị gãy cành. Gỗ của cây rất cứng, có mùi thơm và hoa văn rất đẹp... nhưng không ai dám mang gỗ này về nhà làm vật dụng.
Cũng chính vì thế mà giờ đây, mỗi lần có cành cây khô nào của cây dã hương rơi xuống là ông thủ từ miếu vua bà lại nhặt vào phơi khô rồi cưa thành từng miếng mỏng. Những miếng gỗ mỏng này được bỏ cẩn thận trong túi bóng, kèm theo một mảnh giấy ghi lịch sử ngôi miếu và thân thế của vua bà để biếu tặng khách thập phương.
Qua hơn năm thế kỷ, trải qua không ít lần “thập tử nhất sinh” cây dã hương vẫn sừng sững hiên ngang bên cạnh miếu và lăng bà thứ phi họ Ngô cùng bao câu chuyên ly kỳ nhuốm màu cổ tích...
Dã hương là loài cây quý hiếm thuộc họ long não có trong rừng tự nhiên và được gây trồng phân tán ở các khu di tích, đình chùa, đền thờ miếu mạo do tác dụng về cảnh quan và tâm linh ở các vùng nông thôn đồng bằng, trung du một số tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Cây dã hương đã được ghi trong sách đỏ thế giới vì có giá trị rất cao về kinh tế, văn hóa, cảnh quan, môi trường. Đây là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đang có nguy cơ bị hủy diệt. Trong rừng tự nhiên, cây dã hương bị săn lùng khai thác đến cùng kiệt, cây trồng phân tán tại các địa phương sau nhiều năm bị tác động của thiên nhiên và con người, lại không dược chăm sóc bảo vệ nên cũng đã bị đổ gãy, bị chết rất nhiều. Số cây còn lại rất ít, cần quan tâm bảo tồn, gìn giữ...
( theo giadinh )