- Thời gian vừa qua, cùng với sự lên giá của các loại cây cảnh cổ thụ, dân chơi cảnh đã tung tiền cho người lên núi "săn" các thế cây độc. Tình trạng khai thác bừa bãi cây cảnh cổ thụ đã kéo theo nhiều hệ lụy buồn.
Núi càng cao, cây cảnh càng nhiều
Ngọn núi Rồng hùng vĩ thuộc huyện Cao Phong (Hòa Bình) vốn ẩn chứa nhiều bí ẩn về các kho báu được truyền lại từ thời phong kiến đã "hút" dân tìm vàng lục lọi khắp nơi. Nhưng tìm vàng mắt mà không thấy kho báu nên số nhiều các thợ săn chuyển sang tìm cây cảnh cổ thụ cho các đại gia dưới thành phố.
Dãy núi càng cao thì càng nhiều cây cảnh cổ thụ
Ông Nguyễn Hoàng Điệp (ở xã Bắc Phong) là một nhân chứng, dù sắp bước sang tuổi 60 nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cũng đành tặc lưỡi đánh liều theo đám tìm vàng địa phương lên núi Rồng "săn" cây cảnh. Ông Điệp cho biết, dãy núi càng cao thì càng nhiều cây cảnh cổ thụ.
Nạn khai thác cây cảnh tràn lan trên núi Rồng đã diễn ra từ hồi tháng 5/2011 nhưng chính quyền Hòa Bình vẫn chưa hề có động thái nào trong việc ngăn chặn. Nếu không có một biện pháp tích cực thì chẳng bao lâu nữa, quần thể núi Rồng đẹp như mơ sẽ bị tàn phá bởi các nhóm "săn" cảnh độc.
Núi Rồng rất cao lại hoang sơ, ít người dám đặt chân lên đó nên các loại cảnh kiểng như sanh, lộc vừng, tùng la hán, tùng bách tán, sung... còn khá nhiều. "Săn" cảnh trên núi Rồng mới thực sự rộ lên từ tháng 5/2011 khi một tiều phu thuộc thị trấn Cao Phong lên núi và tìm được cây sanh cổ thụ có thế dáng cực đẹp. Tiều phu này đem về nhà trưng bày và ngay lập tức có người trả đến 1.000USD.
Núi Rồng có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, đường lên xuống dường như là độc đạo, một lối nhỏ dẫn từ phía tây thị trấn Cao Phong. Dãy núi thẳng đứng với các vách đá vôi tự nhiên tạo cho núi Rồng không khí thâm u nên các tay "săn" cảnh thường phải đi theo nhóm, ít là 3 người, nhiều thì 5 - 6 người.
Dân "săn" cảnh không chỉ là người Hòa Bình mà có khi từ Hà Nam lên và Sơn La xuống. Họ đi theo các nhóm độc lập, mỗi chuyến đi kéo dài từ 5 ngày - 1 tuần lễ và đồ nghề được họ sắm sửa đủ cả, từ dây thừng, dây cáp đến dao rựa, xà beng...
Treo thân trên những vách núi
Để tìm được cây quý không đơn giản với bất kỳ nhóm "săn" cảnh nào. Nhóm ông Điệp có 5 người thì có đến 3 thanh niên chuyên leo núi. Trước đây, họ sống bằng nghề bắt chim sáo trên các khe núi thuộc huyện Tân Lạc nên với họ leo lên những ngọn núi cao là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, đặc điểm của cây sanh và lộc vừng cổ thụ chỉ sống bên các vách núi đá vôi. Rễ các loại cây này bám chặt vào khe núi nên muốn tiếp cận địa điểm của cây đã khó, lấy được cây ra khỏi vách đá càng khó hơn gấp bội. Có những cây sống lâu năm, rễ bám quá sâu và chắc vào đá khiến thợ "săn" lành nghề nhất cũng phải bỏ cuộc.
Treo mình trên vách núi để chặt cây cảnh
Nhóm của anh Nguyễn Trọng Huân gồm 4 người thuộc huyện Kim Bảng (Hà Nam) cũng "cuốc xẻng" sang Cao Phong tìm cảnh. Trên người Huân lỉnh kỉnh đồ nghề, sau khi thăm dò dãy núi Huân cho người leo lên trên đỉnh buộc dây thừng thật chắc rồi thả đoạn dây còn lại xuống dưới.
Nghề "săn" cây cảnh trên núi Rồng tuy đem lại lợi nhuận cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít thợ tìm cây đã phải trả giá đắt khi chẳng may ngã núi, bị rắn cắn hoặc trượt chân xuống vực. Nhưng họ vẫn không bỏ cuộc vì lợi nhuận trước mắt.
Một tay leo núi bám vào đoạn dây ngoi lên nhích chậm từng cm. Bên hông anh ta được buộc một đoạn dây để người dưới đất kéo đến vị trí của cây cảnh. Phải mất hàng tiếng đồng hồ sau đó, nhóm "săn" cảnh này mới đưa được cây sanh cổ thụ xuống đất và hớn hở với "chiến lợi phẩm" có được.
Thông thường sau khi lấy được cây cảnh đẹp, một người trong nhóm sẽ mang cây về trồng và tạo dáng để rao giá. Những người còn lại tiếp tục lên núi tìm vận may.
Theo Huân, ở núi Rồng có những đặc tính phân loại cây rất đa dạng. Ở sườn tây của vách núi tập trung nhiều lộc vừng và sung. Đáng chú ý, những loại cây này trên núi Rồng tuy cổ thụ nhưng lại rất nhỏ con, thích hợp để làm kiểng. Phía sườn đông lại phổ biến cây sanh lá nhỏ, sườn phía nam và bắc có nhiều tùng bách tán và tùng la hán với nhiều thế cây bắt mắt.
Tuy nhiên, các nhóm "săn" cảnh lại tập trung nhiều ở khu vực sườn đông để khai thác cây sanh, khu vực này cũng dễ dàng trong việc leo trèo và chặt hạ hơn so với các vách núi khác.
Giá tính bằng... đô
Theo thống kê chưa đầy đủ, các nhóm "săn" cây cảnh ở Hòa Bình lên tới gần 30 người. Họ đi sâu vào phía trong của dãy núi để tránh chạm mặt chính quyền và dễ dàng trong việc khai thác cây cảnh cổ thụ.
Một nhóm "săn" cây ở ngay thị trấn Cao Phong trong tháng 6 vừa qua đã may mắn gặp được cây sanh 200 năm tuổi. Đó là một cây sanh có dáng đẹp lại có tuổi thọ cao nên khi một đại gia ra giá 50.000USD, họ vẫn không bán. Theo một nguồn đáng tin cậy, cây sanh đó mới được bán với giá 62.000USD cho một dân chơi cảnh tại TP Nam Định.
Vận chuyển cây bán cho khách
Tháng 7/2011, nhóm của Huân từ Hà Nam sang cũng may mắn tìm thấy một cây sanh và 3 cây lộc vừng cổ thụ. Huân đem về bán với giá khá cao cho một người buôn đá cảnh ở phố Động thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm.
Nhóm của Trần Trung Chiến ở Sơn La cũng về núi Rồng tìm vận may. Sở dĩ, Chiến ở đây dài ngày vì có người bà con là dân bản địa. Anh ta và một số thanh niên ở Sơn La được gọi là nhóm "khủng" trong đội quân "săn" cây cảnh ở khu vực này vì được một "ông chủ" đầu tư.
Theo Chiến, tìm cây cảnh không khác gì tìm vàng. Tìm đi tìm lại vẫn còn những cây có thế dáng đẹp. Chỉ cần được một cây có thế độc đáo cộng với tuổi thọ thì sẽ có giá. Ngược lại, nếu không có duyên với cây thì có tìm mỏi mắt cũng không thấy.
Trước đây, Chiến phát tài nhờ nghề săn thú rừng. Chợ sóc ở Mai Châu đều do Chiến quản lý. Tất cả sóc bắt được ở Hòa Bình và Sơn La đều quy tụ về đây. Nhưng chợ sóc ngày càng bị "mất giá" do loài vật này khó thuần chủng và khả năng truyền bệnh cho người khá cao.
Nhóm của Chiến từ ngày về Hòa Bình tìm cây cảnh đã kéo theo nhiều phức tạp, thậm chí còn xảy ra tranh chấp mâu thuẫn với các nhóm khác. Tuy nhiên, Chiến vẫn không bỏ cuộc vì thỉnh thoảng nhóm của anh lại phát hiện một vài cây cổ thụ đáng giá nghìn đô.
Trần Hòa
theo bee