Muốn thấy được "tính ưu việt” của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội, tôi nghĩ, cách tốt nhất là so sánh Nam Hàn và Bắc Hàn.
Hình: ASSOCIATED PRESS
Năm 1945, sự kết thúc của chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng đồng thời là sự kết thúc của ách đô hộ kéo dài 35 năm (1910-45) của Nhật trên đất nước Đại Hàn. Lúc ấy, bất cần ý kiến của dân chúng Đại Hàn, các lực lượng Đồng Minh quyết định chia cắt nước này ra làm hai: miền Nam với sự giúp đỡ của Mỹ và miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1948, quân độ Liên Xô rút khỏi miền Bắc và năm sau, 1949, quân đội Mỹ cũng rút khỏi miền Nam.
Năm 1950, được sự ủng hộ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, phát động chiến tranh, tung quân qua biên giới Nam Hàn, gọi là để thống nhất đất nước. Sau khi Liên Hiệp Quốc thất bại trong nỗ lực hòa giải và ngăn chận chiến tranh, Tổng thống Truman quyết định đưa quân Mỹ và một số nước đồng minh sang giúp Nam Hàn trong cuộc chiến đối đầu với miền Bắc. Lúc ấy, Trung Quốc cũng quyết định can thiệp (với sự trợ giúp khí giới của Liên Xô).
Chiến tranh Nam Bắc Hàn, do đó, biến thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có lúc (ví dụ riêng đợt phản công mùa xuân năm 1951), quân Trung Quốc nhảy vọt lên đến khoảng 700,000 người. Đến giữa năm 1953 thì hai bên tuyên bố đình chiến. Số tử vong trong cuộc chiến tranh kéo dài ba năm do miền Bắc phát động ấy, tùy theo từng nguồn, khá khác biệt. Theo số liệu do Trung Quốc công bố thì về phía họ có 114,000 binh sĩ tử vong do chiến trận, 34,000 binh sĩ khác tử vong vì những lý do khác, 380,000 người bị thương. Giới nghiên cứu Tây phương hoàn toàn nghi ngờ các con số này. Họ cho số tử vong của bộ đội Trung Quốc phải lên ít nhất là 400,000 người. Về phía Mỹ, số tử vong là 36,000 người; số mất tích là 8000 người và số bị thương là 82,000 người. Phía Nam Hàn, 58,000 bị chết; 175,000 người bị thương. Phía Bắc Hàn có 215,000 người bị chết và 303,000 người bị thương. Nhưng thảm kịch nặng nhất oằn lên dân chúng: có ít nhất trên hai triệu thường dân, từ cả hai miền, bị giết chết, kể cả bị giết tập thể, trước và sau chiến tranh, do những thù nghịch từ hai phía.
Sau chiến tranh, Đại Hàn lại bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm biên giới. Phía Nam được biết dưới tên chính thức là Đại Hàn Dân Quốc (thường được gọi tắt là Hàn Quốc); phía Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (thường được gọi tắt là Triều Tiên).
Thoạt đầu, cả hai đều gánh chịu một di sản giống nhau: Một, ách đô hộ kéo dài 35 năm của đế quốc Nhật Bản. (Xin lưu ý: Việt Nam chỉ bị Nhật chính thức chiếm đóng có khoảng nửa năm (từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 8 năm 1945) mà hậu quả là có đến khoảng từ một đến hai triệu người bị chết đói (năm Ất Dậu, 1945). Ở Đại Hàn, thời gian chiếm đóng của Nhật kéo dài gấp 70 lần!). Hai, cuộc chiến tranh tuy ngắn ngủi, chỉ kéo dài ba năm, nhưng số thương vong lại được xếp vào loại lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh trong nội bộ một quốc gia ở thế kỷ 20. Ba, sự nghi kỵ và thù hận không phải giữa hai miền, Nam và Bắc, mà còn bên trong từng miền, giữa người này và người khác, thành phần này và thành phần khác; một hiện tượng rất phổ biến sau các cuộc nội chiến khốc liệt.
Những di sản ấy hiện rõ trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của cả hai miền ngay sau chiến tranh: nghèo khổ, lạc hậu và độc tài.
Nhưng mấy chục năm sau, ví dụ, ở thời điểm năm 2011 này, khoảng cách giữa hai miền, Hàn Quốc và Triều Tiên, khác nhau vời vợi.
Vào giữa thập niên 1950, cũng giống như Triều Tiên, Hàn Quốc nằm trong danh sách những quốc gia nghèo, tương tự vô số các quốc gia nghèo khác ở châu Á và châu Phi. Nhưng từ giữa thập niên 1960 thì họ nhảy vọt. Suốt cả mấy thập niên sau đó, họ được xem là một trong vài quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Giới nghiên cứu thường nêu lên một ví dụ về sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc: năm 1957, thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc thấp hơn hẳn Ghana, một quốc gia thuộc Tây Phi; bốn mươi năm sau, vào năm 2008, thu nhập của họ cao gấp 17 lần Ghana! Hiện nay, Hàn Quốc nằm trong nhóm 20 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G-20). Một số thương hiệu của Hàn Quốc trở nên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu, hầu như đi đâu cũng gặp: Hyundai, Samsung, Daewoo và LG.
Còn Triều Tiên?
Cho đến nay, Triều Tiên nổi tiếng khắp thế giới vì nhiều cái nhất: Một trong vài quốc gia khép kín, bí mật, cuồng tín và chuyên chế nhất; một trong những quốc gia hung hăng nhất, lâu lâu lại đe dọa tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ nữa; một trong những quốc gia nghèo khổ nhất ở châu Á với số dân đối diện với nguy cơ chết đói lên đến hàng triệu người mỗi năm (và nhiều lần đã chết thật. Ví dụ, theo nhiều tài liệu, trong thập niên 1990, số người chết đói có thể lên đến khoảng ba triệu!); đồng thời cũng là một trong những quốc gia buôn lậu ma túy khét tiếng nhất thế giới.
Tôi dựa trên tài liệu của CIA World Factbook cũng như một số tài liệu khác để tóm tắt các khác biệt chính giữa Nam và Bắc Hàn như sau:
Tại sao cũng đất nước ấy, cũng con người ấy mà sau hơn nửa thế kỷ bị chia cắt, một nửa trở thành nơi giàu có thuộc loại hàng đầu trên thế giới, còn nơi kia lại thuộc vào những nước nghèo đói nhất thế giới?
Tại sao?
- Chỉ có thể trả lời bằng một chữ duy nhất: chế độ!
"Tính ưu việt" của chế độ xã hội chủ nghĩa là như vậy đó sao?
* Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)