Khác với nhiều đứa trẻ cùng lứa, Lý Hùng lớn lên trong võ đường. Năm 6 tuổi anh đã được ba huấn luyện võ thuật một cách nghiêm khắc.
Trước khi học võ phải rèn luyện sức khỏe, tập đứng tấn, chạy bộ, nhảy dây… Sau lớn hơn một chút, cứ đi học về là Lý Hùng lại lao vào võ đường tập từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, cho đến khi mồ hôi ướt đầm như tắm, thân thể rã rời mới thôi.
Ba là ngài “hiệu trưởng” khắt khe
Sinh ra trong một gia đình nhà võ, Lý Hùng, nam diễn viên nổi tiếng một thời trên màn ảnh nhỏ, sớm được cha dạy dỗ và dìu dắt trên con đường võ thuật, nghệ thuật. Ông nội của anh vốn là một võ sư nổi tiếng. Còn ba anh, Lý Kim Tuyền hay còn gọi là Lý Huỳnh, trước năm 1975, từng làm mưa làm gió trên sàn đài quyền Anh và võ tự do. Lý Huỳnh là một người trầm tính nhưng khẳng khái, mạnh mẽ và tinh thần phóng khoáng đúng chất Nam bộ.
Ông có biệt danh là “con beo đen của làng đấm Việt Nam” và nằm trong nhóm Tứ tú (bốn ngôi sao) trên bầu trời võ thuật miền nam trước 1975. Lý Huỳnh yêu con bằng cách sớm để con làm quen với tinh thần võ đạo, phải chịu tôi luyện cơ thể, trí lực.
Học võ phải tập luyện rất nhiều và tập luyện một cách có kỷ luật. Lý Huỳnh luôn dạy con phải biết kiên trì, nhẫn nại và chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân. Nghiêm khắc là thế nhưng ông chưa bao giờ đánh con lấy một roi. Ông luôn đi bên cạnh con, dõi theo từng bước đi của Lý Hùng để luôn kịp thời động viên anh.
Chính vì vậy mà Lý Hùng vẫn luôn nể sợ ba. Trong tâm trí của Lý Hùng, ba vừa là ba, lại vừa là thầy khó tính. Lý Hùng vẫn nhớ mãi, những lần trốn ba đi bơi, hoặc đi chơi đêm về muộn bị ba la, cấm đi mà không dám cãi một lời. Nhưng nhờ vậy, anh lại cảm thấy gắn bó với ba hơn.
Nếu “máu” võ đã chảy trong Lý Hùng từ lúc chưa lọt lòng thì niềm đam mê nghệ thuật đã phát sinh từ những ngày anh theo cha đến phim trường xem cha diễn. Ít ai biết Lý Hùng đã khởi nghiệp diễn viên với vai thằng nhỏ bắn ná thun trúng mông tên cảnh sát ngụy trong phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Duy.
Lúc ấy, đạo diễn cho Lý Hùng đóng phim chỉ vì thấy thằng nhỏ mặt mày sáng sủa, lanh lẹ, chứ chưa biết “hắn” là hậu duệ của diễn viên Lý Huỳnh. Không ngờ vai diễn bé xíu ấy đã đưa Lý Hùng đến với phim Đàn chim và cơn bão của đạo diễn Cao Thuỵ.
Vai chính Dũng lì, một đứa trẻ bụi đời, buộc Hùng phải để tóc dài tua tủa trong khi anh còn đang đi học. Thế nên, đoàn phim phải gửi thư xin phép nhà trường đặc cách. Mỗi lần Hùng đến lớp là một cực hình vì cả trường cứ trố mắt nhìn anh như người từ … hành tinh lạ. Cậu học trò trường Nguyễn Đức Cảnh được nhà trường cho phép theo đoàn phim với điều kiện xong phim phải cắt tóc ngay lập tức.
Mặc dù có cha là diễn viên nổi tiếng nhưng thời điểm đó, gia đình của Lý Hùng khá nghèo. 12 tuổi, cậu con trai út trong gia đình có 6 anh chị em (bốn nữ, hai nam) đã phải thức khuya dậy sớm phụ mẹ. Nửa đêm, Lý Hùng còn chở mẹ trên chiếc xe cọt kẹt đi bỏ mối bút bi. Sáng sớm, anh và anh trai Lý Sơn thay phiên nhau tắm cho bầy lợn, vốn là “nồi cơm” của cả gia đình.
Lên Long Thành (Đồng Nai) đóng phim, suốt 3 tháng hè Lý Hùng phải ăn, ngủ, sinh hoạt trong trại giáo dưỡng dành cho trẻ em bụi đời nên cứ tới cuối tuần anh lại có cảm giác khấp khởi đợi ba lên đón. Đến bây giờ, khi nhớ lại, Lý Hùng vẫn không thể quên được hình ảnh của ba Lý Huỳnh đã vượt cả quãng đường dài đi Honda lên Long Thành (Đồng Nai) chở con về Sài Gòn chơi và hôm sau lại đưa Lý Hùng quay trở lại Đồng Nai tiếp tục đóng phim.
Cậu học trò cá biệt vì râu tóc dài
Thường chỉ tranh thủ đóng phim vào ba tháng hè, nhưng đôi khi đoàn phim bị quá về thời gian, lấn sang những ngày đầu năm học mới nên Lý Hùng lại phải xin nghỉ học. Năm 17 tuổi khi đóng Phạm Công Cúc Hoa, Lý Hùng phải diễn xuất trong điều kiện kinh phí của đoàn làm phim thiếu thốn, khó khăn.
Diễn viên diễn xuất trên những ngọn đồi, phải leo núi giữa cái nắng thiêu đốt của Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) và của miền Trung. Có những lúc cảm thấy rất cực nhưng có ba đi cùng động viên, anh lại tự nhủ phải kiên trì. Chính sự nghiêm khắc của cha, tinh thần võ đạo được tôi luyện từ thuở nhỏ đã khiến Lý Hùng vượt qua mọi khó khăn vất vả trong quá trình đóng phim.
Vừa làm vừa học nhưng Lý Hùng luôn đạt kết quả tốt. Những năm cấp II, học lớp chuyên Toán, cậu học trò Lý Hùng không hề học thêm, học tủ, học vẹt, bài vở chỉ cần xem qua là nắm được ý. Bị gọi lên trả bài, cả lớp đều cười vì Lý Hùng không bao giờ trả lời như mọi người.
Anh chỉ trả lời những nội dung chính của câu hỏi, trả bài nửa trang sách nhưng Lý Hùng nói chưa đầy 30 giây thì hết. Vì đủ ý nên anh luôn được cô giáo khen thông minh và cho điểm cao.
Cuối cấp III trường Hùng Vương, Lý Hùng thi tốt nghiệp với tâm trạng không chút căng thẳng. Kết quả, anh được 36 điểm với hai môn điểm 10 và hai môn còn lại đạt điểm 8. Nổi danh sớm nhưng Lý Hùng luôn chơi chân thành và hòa đồng cùng các bạn học. Khi cả nước biết đến anh với vai Phạm Công, mỗi khi ra đường có hàng chục người vây lại hâm hộ thì ở trường Lý Hùng vẫn là một cậu học sinh giống như bao học sinh khác, không kênh kiệu vì mình là người nổi tiếng.
Anh vẫn khoái đi ăn kem, ngồi tán dóc với các bạn học. Anh chia sẻ “Tôi không có suy nghĩ mình nổi tiếng với bạn bè mặc dù ra đường được người ta bu lại, tôi vẫn sống bình thường như bạn bè. Không cảm thấy mình cá biệt với các bạn bè vì sự nổi tiếng, làm những điều lập dị vì mình là người nổi tiếng”.
Lý Hùng chỉ cảm thấy mình cá biệt đôi chút vào dịp đầu năm học, do chưa hoàn thành cảnh quay trong phim, nên anh phải để râu và tóc dài nên cứ thứ hai hàng tuần đều được nêu tên trước toàn trường.
Trường phổ thông Hùng Vương lúc đó có hai cổng. Thời gian đoàn phim quay bị gối vào năm học, cứ học xong 3 tiết đầu Lý Hùng lại xin nghỉ 2 tiết sau, anh phải đi lén cửa sau xin phép giám thị thì bị tụi bạn la lên “Lý Hùng cúp học”. Anh liền la lại “Xin đàng hoàng mà cúp đâu mà cúp” rồi khi lên xe ngồi cười hoài vì thấy mình cũng “ngon” đấy chứ. Thấy mình ngon vì đang giờ học mà được nghỉ.
Đẹp trai, mạnh mẽ và nổi tiếng nên thời còn đi học, Lý Hùng cũng có những mối tình học trò trong trường. Anh kể học trò ngày xưa không yêu như teen bây giờ, thích nhau là rủ nhau đi uống cà phê, uống trà sữa ào ào. Học trò xưa dù thích cách mấy cũng chỉ dám len lén nhìn nhau cười vậy thôi. Hồi còn đi học, Lý Hùng để ý tới cô bạn học ở lớp Pháp văn.
Gặp nhau ở căn tin, cô bản hỏi đóng phim có vui không, có khó không thì anh cũng chỉ dám trả lời cụt ngủn. Để ý tới nhau nhiều mà tới giờ nghĩ lại, anh nhớ mình còn chưa được một lần nắm tay cô gái đó. Năm ngoái, trong một dịp tình cờ, Lý Hùng gặp lại người ấy. Bây giờ cô đã có gia đình, đang sống ở nước ngoài rất ổn định nên anh cũng vui.
Mẹ và cha là những người thầy tuyệt diệu
Sau khi tốt nghiệp, dù rất thành công với những vai diễn, liên tiếp được mời đóng phim nhưng Lý Hùng vẫn quyết định thi vào lớp Diễn viên Điện ảnh khoá 1 (1986–1991) của trường Điện ảnh TP. HCM cùng khoá với Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Lê Tuấn Anh, Diễm Hương… Đó cũng là nhờ ba anh, diễn viên kiêm võ sư Lý Huỳnh luôn nhắc nhở con trai muốn làm nghề nào thì phải học đến nơi đến chốn.
Có học mới tồn tại được lâu, nghề mình mới vững chắc. Đến giờ, Lý Hùng càng ngẫm càng thấy ba nói đúng. Trong hơn 10 năm “hoàng kim” tham gia diễn xuất anh đã tham gia đóng trên 90 bộ phim, đưa cái tên Lý Hùng trở thành cái tên “hot” bậc nhất lúc bấy giờ. Và giờ đây, sau nhiều năm quay trở lại với điện ảnh, cái tên ấy vẫn chưa một lần nguội lạnh trong lòng người hâm mộ.
Không chỉ yêu kính cha, Lý Hùng còn học được rất nhiều điều từ người mẹ kính yêu của mình. Anh thường nói rất thần tượng mẹ và mong cưới được một người vợ có những đức tính như mẹ. Chia tay với những mối tình đã qua vì nhiều lý do khác nhau, đến giờ khi đã bước qua tuổi tứ tuần Lý Hùng vẫn là “lính phòng không”.
Thế nhưng mẹ anh không bao giờ gây áp lực cho cậu con út. Nhà có cháu nội cháu ngoại đầy đủ nên ba mẹ Lý Hùng không hối thúc anh cưới vợ. Lý Hùng mong muốn vợ của mình sau này cũng giống như mẹ, vợ anh không cần đẹp mà chỉ cần có lòng nhân ái.
Thời hoàng kim, Lý Hùng lãnh catse vài chục triệu, có thể mua được cả chục lượng vàng, mang về hết cho mẹ. Nhưng anh lại thấy mẹ đem tiền chia sẻ cho người nghèo, bệnh nhân khốn khổ... Lúc đầu vì chưa hiểu, Lý Hùng cảm thấy hơi buồn vì cho rằng mẹ không coi trọng công sức của con trai. Thế nhưng, qua những chuyến đi từ thiện của mẹ, anh dần dần thấm nhuần lòng bác ái của bà và vô cùng tự hào, khi được góp phần xoa dịu những nỗi đau.
Theo PNT