Trong lịch sử 11 năm của V-League, HA.GL và ĐT.LA xứng đáng được xếp vào hàng “khai quốc công thần”, và con đường dùng tiền để làm bóng đá mà họ từng đi đến nay vẫn được không ít đội bóng ở V-League làm theo. Tất nhiên, theo quy luật thời gian, cách thức và quy mô làm bóng đá theo kiểu doanh nghiệp của các đại gia V-League bây giờ đã khác xưa rất nhiều.
Trong dòng chảy khó cưỡng ấy chỉ có 3 lựa chọn, hoặc là thuận theo xu thế chung, hoặc là có cách làm riêng, hoặc là chết. Đa số các CLB hiện tại đều chọn phương án thứ nhất, tức là dùng tiền và thật nhiều tiền để tìm cách gặt hái danh hiệu, cách làm mà những ông bầu bóng đá thuộc thế hệ “khai quốc công thần” như bầu Thắng chê là “làm hại bóng đá bằng đồng tiền ảo…”.
|
Bầu Đức của HA.GL |
Số ít còn lại không có điều kiện “đốt tiền” thì phát huy tối đa nội lực và cậy nhờ sự trợ giúp của nguồn lực ngoại binh như SLNA, TĐCS.ĐT. Cũng có những CLB dù không muốn “chết” nhưng cũng kiên quyết bỏ qua 2 lựa chọn đầu tiên như ĐT.LA hay HN.ACB, và thứ hạng hiện tại đang phản ánh kết quả triết lý làm bóng đá của họ.
Cách đây chưa lâu, HA.GL cũng đã từng sát cánh cùng ĐT.LA trong công cuộc nói không với trào lưu “làm hại bóng đá bằng đồng tiền ảo…”, song hậu quả là đội bóng phố núi đã trượt dốc không phanh suốt mấy năm qua và mới chỉ có dấu hiệu khởi sắc trở lại ở mùa bóng năm nay.
Bí quyết của HA.GL cũng không quá phức tạp, bởi cách làm của họ là sự tổng hợp của 2 lựa chọn đầu tiên, tức là dùng tiền ở mức độ vừa phải và chăm chút cho nội lực. Phải chăng HA.GL đã nhận thấy rằng, một khi đã tham gia vào cuộc chơi thì đồng nghĩa với việc phải chấp nhận những quy luật của nó, cho dù có thể không tuân theo hoàn toàn song bắt buộc phải có sự thích ứng nhất định, nếu như không muốn bị đào thải.
Đúng là làm bóng đá bây giờ thật nhiễu nhương và lộn xộn, đặc biệt là tệ nạn tranh giành lôi kéo cầu thủ của các đội bóng, nhưng cũng ít ai quên rằng, cách đây ngót chục năm, vụ việc Phạm Minh Đức từ CAHN về HA.GL, hay Minh Phương từ CSG về ĐT.LA cũng đã gây ra biết bao rắc rối và tranh cãi, và hẳn khi ấy, tâm trạng của những “bị hại” như CAHN hay CSG cũng cay đắng chẳng kém các đội bóng nhà nghèo bị rút ruột bây giờ là mấy.
Thế thì, ai mới là thủ phạm đích thực khiến bóng đá VN đang rơi vào hoàn cảnh như hiện nay ? Có lẽ hỏi cũng đã là trả lời.
Theo Thể Thao & Văn Hóa Online