Tổng thống Trump đã thề sẽ chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine và gần đây thậm chí tiết lộ các nỗ lực của ông để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình "đang tiến triển". Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của Trump về việc "đổi viện trợ lấy đất hiếm của Ukraine" cho thấy, ông đang hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được lợi ích từ cuộc chiến.
Theo BNE Intellinews, ông Trump đã đóng băng tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine trong 90 ngày sau khi lên nắm quyền. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng cũng đóng cửa tất cả các hoạt động của cơ quan viện trợ USAID, nơi đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho Ukraine máy phát điện tạm thời để vượt qua mùa đông sau khi Nga phá hủy một nửa công suất phát điện và sưởi ấm của Ukraine vào năm 2024.
Tuy nhiên, Trump nói với các phóng viên vào ngày 3/2 rằng Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận với Kiev, trong đó Ukraine phải đảm bảo nguồn cung đất hiếm để đổi lấy viện trợ từ Mỹ.
"Chúng tôi đang tìm cách đạt thỏa thuận với Ukraine, theo đó họ sẽ đảm bảo được những thứ đang nhận được từ chúng tôi bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 3/2.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Linsey Graham, một người ủng hộ nhiệt thành của Ukraine từng tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng: "Cuộc chiến này hoàn toàn là vì tiền và Ukraine có trữ lượng khoáng sản đất hiếm trị giá 2-7 nghìn tỷ USD".
Ông Trump, một người thích thỏa thuận đang hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được lợi ích từ cuộc chiến ở Ukraine, BNE Intellinews bình luận.
Xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 318 tỷ USD vào năm 2024 do các nhu cầu liên quan đến Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả việc bán và chuyển giao vũ khí là "các công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ có khả năng tác động lâu dài đến an ninh khu vực và toàn cầu".
Washington công khai thừa nhận rằng khoảng 80% viện trợ quân sự cung cấp cho Ukraine thực tế đã được chi tiêu tại các nhà máy vũ khí của Mỹ, mang lại cho nền kinh tế Mỹ một cú hích về chi tiêu quân sự.
Theo BNE Intellinews, cùng lúc đó, Mỹ cũng "vớ bẫm" khi lấp đầy lỗ hổng sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vì chiến tranh. Theo đó, xuất khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) của Mỹ đã chiếm khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu - thị phần trước đây do khí đốt giá rẻ của Nga thống trị.
Giá khí đốt ở châu Âu hiện vẫn cao gấp ba lần so với Mỹ và vẫn đắt hơn gấp đôi so với trước khi xung đột Ukraine-Nga bắt đầu vào đầu năm 2022. Sự chênh lệch giá này đã khiến các nhà sản xuất LNG của Mỹ thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc cung cấp cho châu Âu.
Ông Trump rõ ràng có ý định theo đuổi và mở rộng hoạt động kinh doanh béo bở này nhờ khai thác cuộc chiến ở Ukraine. Chính quyền Trump đặt mục tiêu đẩy LNG của Nga ra khỏi châu Âu và chấm dứt hoàn toàn việc Nga cung cấp LNG cho châu Âu, tờ Financial Times đưa tin.
VietBF@ sưu rập
|