Tôi ra đời được vài ngày thì mất mẹ, mồ côi mẹ đã là bất hạnh nhưng vẫn chưa đau đớn bằng cha còn mà cũng như không. Chỉ vài tháng sau khi mẹ mất lấy lí do cần người chăm sóc cho con nhỏ ba cưới thêm vợ kế mặc sự xầm xì to nhỏ của hàng xóm láng giềng.
Còn ông bà nội thấy cũng ái ngại với thông gia nên cũng phản đối vài câu lấy lệ, nhưng ngày cưới ông bà vẫn khăn đóng áo dài the ngồi chễm chệ cho con dâu mới dâng trà.
Sợ cháu chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, ông bà ngoại xin đem tôi về nuôi mặc dù lúc ấy bà cũng rất già yếu đi phải chống gậy tre. Những ngày đầu còn có sữa “ông Thọ” pha loãng, độ loãng càng tăng khi túi tiền cạn kiệt. Sau đó là cháo nấu độn khoai lang, cho tới khi có răng thì tất cả những gì hiện diện trong mảnh vườn bé xíu tôi đều chiếu cố tận tình.
Mảnh vườn nho nhỏ nên ông ngoại phải tận dụng tối đa theo phương châm tấc đất, tấc vàng. Ông trồng khoai mì san sát nhau thay hàng rào trước sân nhà, dưới quê bình yên hàng rào chỉ là để ngăn chia ranh giới với láng giềng chứ không phải để phòng ăn trộm.
Hông bên phải ông trồng dãy chuối từ đầu nhà tới tận bờ ao nơi tắm rửa, giặt giũ. Hông bên trái giáp ranh mảnh ruộng của nhà em họ có năm cây xoài, ông giăng dây trồng bầu và dưa leo nên người ta nói bầu và dưa leo nhà ông ngoại có mùi xoài. Không biết đúng hay sai nhưng ai cũng thích khi qua mua bầu mà lại được tặng mấy trái xoài rụng về dầm mắm ớt chua chua ngọt ngọt ăn ê nguyên hàm răng.
Trong sân thì ông trồng hành lá, xả, ớt, chanh và tất cả các lọai rau nên lợi tức của gia đình là những bẹ lá chuối bán cho bà bán xôi, quầy chuối, thúng xoài, chục chanh cho sạp trái cây ngoài chợ. Rau, bầu bí, dưa leo ai cần cứ đến hái rồi trả bao nhiêu tiền cũng được. Lâu lâu có người vác gạo đến đổi con heo ông nuôi bằng thân chuối và bèo vớt dưới ao. Mỗi lần tiễn heo đi tôi khóc sưng cả mắt nên sau này ông mua con heo sữa cho tôi chơi trước vài ngày rồi mới tiễn heo thịt đi sau.
Cuộc sống thần tiên kéo dài sáu năm thì ông bà nối gót nhau bỏ tôi mà đi. Ngày tiễn ông ra nghĩa trang, bà Bảy bán xôi chạy ngược ra sân sau giựt mấy bộ quần áo của tôi đang phơi trên dây bỏ vào cái túi mây xách theo. Sau khi an táng ông xong, bà Bảy dắt tôi tay bế em heo đi vòng vòng trên những con đê ngoằn ngoèo để đánh lạc hướng và sau cùng giao trả tôi và em heo về với ba và dì ghẻ.
Gọi là dì ghẻ nhưng dì không có ghẻ, nước da trắng hồng, đôi mắt to như hai cục kẹo “bi don don bi dòn dòn” ông ngoại hay mua cho tôi mỗi khi đi chợ, môi thì đỏ thắm nhìn sang trọng và đẹp hơn bà ngoại và bà Bảy bán xôi. Câu xã giao đầu tiên ba tôi hỏi:
– Mày tên gì?
Hỏi cho có chuỵên để nói thay vì ngồi im chứ ba đi làm khai sinh thì phải biết chứ, trừ khi quên là đã từng có đứa con này. Tôi ngớ mặt chưa kịp trả lời, bà Bảy nhanh miệng đáp:
– Tui nghe ông bà ngoại nó cứ gọi là “Chó con” nên thiệt ra hổng biết nó tên gì.
Dì bảo nó đen như con chó mực thì từ nay gọi nó là Mực chứ chó con, chó già gì. Tôi rưng rưng cảm động thầm cám ơn dì đã cho tôi cái tên rất tượng hình, chó nào cũng là chó mà.
Vì có gia tài đem theo là em heo nên ngày đầu tôi được miễn lao động và ăn cơm trắng. Những ngày sau đó tôi được sai chạy có cờ vì đúng dịp chị vú xin về quê nửa tháng, nửa tháng sau thì đến phiên anh làm vườn, và cứ luân phiên như thế đến giáp vòng thì việc gì trong nhà tôi cũng đượcc thử qua. À mà xui, anh tài xế không xin phép nghỉ về quê chứ nếu có chắc tôi cũng được lái xe hơi rồi.
Khi không ai vắng mặt thì công việc chính của tôi là băm thân chuối cho heo ăn, tôi hân hoan nhận việc vì như thế tôi được vuốt ve và trò chuyện với em heo và các bạn em ấy. Suốt ngày ngồi ngoài chuồng heo nên tôi ít gặp ba. Ông hay lên Sài Gòn khi thì đi tìm mối lái, khi thì đi mua ρhâп bón, mỗi lần đi hai hoặc ba ngày theo tỉ lệ 4/6 nghĩa là làm 4 chơi 6 ha ha ha, đó là tôi nghe lén ông tài xế kể với bác làm vườn. Do đó việc nhà chỉ mình dì ghẻ tự biên tự diễn, phần đông dì diễn xong hạ màn tắt đèn ba cũng chưa hay.
Thật ra dì cũng không ác lắm, dì nói chuyện rất nhỏ chỉ nghiến răng và gầm gừ trong cổ họng, nhưng tánh rất đa nghi và dì xiết bù lon thì không chạy vào đâu được. Ai cũng bảo nhờ thế nên mỗi ngày một giàu thêm. Tánh tốt duy nhất của dì mà tôi mang ơn đến mãi bây giờ là dì không đánh đòn con nít, chứ nếu gặp dì ghẻ khác chắc tôi không nhừ đòn thì cũng được thọ giáo vài chiêu chứ.
Một lần thấy tôi nhìn đắm đuối các em chơi ngoài sân, dì ngoắc tôi lại gần bảo:
– Mày bẩn lắm không được đụng vào đồ chơi của các em, tao mà thấy đồ chơi có vết bẩn là mày bị đòn đó.
Từ đó tôi biết thân không dám bén mảng lên nhà trên hoặc ra sân chỗ các em chơi vì sợ bị đòn, chắc vì thế dì “quánh giá” con bé này biết vâng lời nên tҺươпg hại. Mấy hôm sau, dì cầm xấp quần áo cũ của các em bảo tôi cất để mặc cho có thay đổi chứ mặc hoài ba bộ mang theo đến lủng đít coi không được. Tôi vui mừng mặc thử, nhưng hình như khó coi hơn cái quần thủng đít vì các em lúc đó 3 và 4 tuổi, còn tôi đã lên 7.
Bà Tư làm bếp dạy tôi gỡ chỉ đường may rồi bà may gộp lại thành một cái áo mới. Áo mới vải còn dày chưa sổ lông nên mặc đẹp và ấm nhưng mặc nó tôi lại phải đổi tên chó mực thành chó vá hoặc chó cầu vòng vì trên người tôi ít nhất phải là bảy màu. Mặc áo mới ai cũng khen xinh xắn dễ tҺươпg nên tôi vui lắm mặc nhín nhín những khi cần diện chứ ngồi băm thân chuối, tắm cho heo thì bộ đồ thủng đít vẫn dính sát tôi như tình nhân.
Một hôm tôi được theo bà Tư làm bếp đi chợ vì nhà có khách phải mua nhiều đồ, một mình bà vác không xuể. Khi về mới biết em heo gia tài ông ngoại để lại cho tôi đã bị bán. Biết thân tôi không dám nằm lăn ra đất chân giãy đành đạch gào khóc đến sưng mắt. Chỉ hai hàng nước mắt tuôn thành dòng và tay thì vẫn băm thân chuối như thường lệ, ráng nuốt lệ vào tιм mà khẽ gọi thầm:
– Ông bà ngoại, mẹ ơi, con nhớ ông bà, mẹ và em heo lắm.
Buổi chiều tôi buồn không ăn cơm được và hình như thấy khó chịu trong người. Sáng hôm sau cả gia đình và khách đi Long Hải tắm biển. Tôi nằm bẹp trên giường đầu nặng như búa bổ toàn thân nóng ran. Khi cả nhà đi hết tôi cảm nhận có chiếc khăn lạnh đặt nhẹ lên trán và tiếng bà Tư làm bếp nói khẽ:
– May cho con cả nhà đi vắng, chứ nếu không thì phen này chết chắc với dì ghẻ.
Bác làm vườn, bà Tư và mọi người thay nhau chăm sóc từng chén thuốc, tô cháo. Và sau cùng ai cũng bảo tôi bịnh khôn vì khi nghe tiếng trẻ nhỏ trở về xôn xao ngoài vườn tôi đã bình phục hẳn. Bước vào nhà dì tôi hít hít mũi vài cái rồi hỏi:
– Sao có mùi vỏ cam?
Bác làm vườn vội trả lời:
– Dạ đêm trước mưa to, mấy trái cam non rụng đầy sân tôi lụm vô để cho thơm nhà.
Dì nói trổng:
– Cam trồng để bán chứ không phải để đãi người làm đâu nha.
Dì hỏi cho có vẻ ta đây mặc dù vắng nhà nhưng chuyện gì cũng biết để thị oai cho người làm sợ mà bớt làm những chuyện gian dối, chứ cái vườn cả ngàn cây có ăn cả thúng cũng chả ai biết được. Thật ra, hồi sáng bác có hái vài trái và bóc cho tôi ăn để lành bịnh hẳn. Cam vườn này nổi tiếng rất ngọt và nhiều nước nhưng nghe dì nói sao nghe cay đắng vô cùng. Chuyện này làm tôi suy nghĩ đến nát óc, mấy hôm sau đi vác thân chuối với bác tôi hỏi:
– Bác ơi sao phải nói dối, sao không nói là con bịnh nên bác hái cam cho ăn.
– Bả mà biết sự thật thì có mà chết, mà thôi con còn nhỏ quá biết ít tốt nhiều.
Ngày xưa ông ngọai cũng hay nói như vậy mỗi lần bị bí không trả lời được những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, lâu lắm rồi mới được nghe lại, nước mắt tuôn trào tôi khẽ gọi:
– Ông ngoại ơi.
Bác ôm tôi vào lòng xoa đầu dỗ dành:
– Ông ngoại đây, ông ngoại đây nín đi đừng khóc.
Từ đấy tôi gọi bác và bà Tư làm bếp vợ bác là ông ngoại, bà ngoại. Mỗi ngày ngoài việc chính là chăm sóc đàn heo tôi hay chạy theo bà ngoại rửa rau, cắt hành lá, bày bàn và phơi củi. Chiều chiều ông ngoại dắt tôi ra bờ sông sau hè tập bơi. Ông bảo sống vùng sông nước phải biết bơi mới có lợi, mà lợi thật.
Trưa hè nóng nực nhảy ùm xuống sông ngâm mình trong dòng nước mát lạnh đã ơi là đã. Mà còn đã hơn nữa khi ông ngoại chọi cho trái cam hái lén. Ông dạy để trái cam dưới nước lấy móng tay bóc vỏ rồi ra góc khuất mà ăn thì an toàn. Vì bóc dưới nước ϮιпҺ dầu trong vỏ cam không bốc mùi, còn bóc trên bờ thì ϮιпҺ dầu lan tỏa dì ghẻ ngửi được thì ngỏm củ hành tây cả hai ông cháu (ngỏm củ tỏi).
Có hôm ông ném cho trái xoài chín cây, cắn một miếng ngay cuống rồi dùng răng mà tước vỏ rồi ăn. Trái mận, trái ổi thì quá dễ không cần vận dụng mưu mẹo, nhưng trái thơm và trái sầu riêng thì suy nghĩ bao nhiêu năm ông vẫn chưa tìm ra phương cách. Từ đấy con sông sau nhà là phòng ăn chính của tôi, bí mật này chỉ hai ông cháu biết mà thôi.
Tối đến khi công việc xong xuôi, bác Năm tài xế dạy tôi viết chữ và đánh vần. Bác rất nghiêm khắc mặt lúc nào cũng đăm chiêu, chưa ai thấy bác cười bao giờ nên trông dữ lắm ai cũng sợ. Bác bắt thì học chứ tôi chẳng thấy mấy cái chữ này làm mình ấm thêm những đêm giá rét, chẳng làm mình no bụng để không giật mình thức giấc giữa đêm khuya vì đói. Nhưng sợ bác nên tôi phải học và viết thật đều ngay hàng thẳng lối, mỗi tối khi kết thúc buổi học bác đều gầm gừ trong miệng:
– Mẹ nó học chui mà còn như dzầy, chứ hổng biết được cắp sách tới trường như con người ta thì làm tới bà gì không biết.
Chỉ nghe “mẹ nó” là tôi run bần bật vì thông thường đó là mở màn cho câu mắng chứ có ai dùng để khen? Thế là lại cố gắng nhiều hơn nữa, báo ba tôi đọc xong chất trong thùng carton ở góc bếp chờ bán ve chai tôi lén đem ra gốc khế sau nhà đọc ngấu nghiến. Mỗi lần bắt gặp vậy bác đều quay mặt chỗ khác cười tủm tỉm. Đến lúc tôi đọc thông thạo thì bác bắt đầu dạy cộng, trừ, nhân, chia và những đêm trăng sáng ông bà ngoại, chị vú, các anh làm vườn luộc khoai uống trà nghe tôi đọc truyện Kiều.
Cuốn truyện dày cui đọc đến khan cả tiếng cũng chỉ được vài trang nên chương trình đọc truyện tăng dần một tuần hai lần không cần chờ có trăng nữa. Rồi thì cũng đọc được hết mấy ngàn câu và kết thúc câu truyện, tối kế tiếp anh Cún nói:
– Ông Năm ơi đừng bắt tụi tui nghe lại từ đầu, cho nghe từ lúc Kiều có bầu đi.
– Thằng quỷ làm gì có chuyện Kiều có bầu mà đọc cho mày nghe.
– Cái câu “Thất kinh Kiều chửa biết là làm sao” là có bầu chứ gì nữa. Thất kinh là không có kinh, mà không có kinh là có bầu. Cộng thêm “chửa” tiếng Bắc là có bầu đó ông già ơi.
– Mèn ơi thằng ôn dịch, không lẽ mày già cỡ này mà tao lại phải dạy mày từng câu từng chữ, chứ mày phát biểu kiểu này ông Nguyễn Du nghe được ổng xé sách luôn chứ hổng phải chơi đâu nhe.
Thời gian cứ thế trôi, càng ngày thì công việc của tôi càng nhiều, làm từ khi mặt trời ló dạng đến trăng treo đỉnh đầu mới xong. Tối nay sau khi tắm, tay ôm bộ quần áo vừa giặt xong trở về chái bếp vừa định giơ tay mở liếp phên chui vào, tôi giật mình khi thấy ông bà ngoại đứng chờ. Tưởng thế nào cũng bị la vì bà ngoại không cho tắm sông buổi tối. Nhưng tối nay bà không nói gì chỉ ôm tôi thật chặt, hồi lâu bà mặc thêm cho tôi chiếc áo cũng rất nhiều màu như những áo trước. Bà thì thầm bên tai tôi:
– Trong lai áo ngoại dấu mấy chỉ vàng con giữ phòng khi cần dùng.
Tôi ngơ ngác nhìn bà ngoại ôm chặt mình vào lòng mà nước mắt đầm đìa. Ông ngoại mắt đỏ hoe kéo tôi trở lại bờ sông, ông treo bộ quần áo tôi ôm trên tay nãy giờ lên cành ổi, quàng cái bị nhỏ may bằng vải dù nhà binh trong có hai bộ đồ, một chai dầu xanh, chút gừng khô cắt lát, chục trái chuối khô qua cổ rồi đẩy tôi lên chiếc ghe đang trờ tới:
– Đi đi con, đừng bao giờ trở về đây nha. Mọi chuyện phải cẩn thận, tự lo cho bản thân.
Chiếc ghe nhỏ có vài đứa con nít và vài cặp người lớn. Tôi sợ hãi ngồi bó gối nhìn ra bầu trời tối đen. Tới đêm mọi người lục đục chuyển qua ghe lớn hơn cũng có vài chục người trên đó, tôi bị dồn vô góc kẹt cạnh hai chị gái có vẻ hiền lành nên yên tâm ngồi im nhắm mắt cho tới lúc ngủ một giấc ngon lành. Đêm đó mưa to, sáng ra cả nhà nhốn nháo rằng con Mực tắm sông đêm rồi chết đuối bộ quần áo còn tòn ten trên cành ổi.
Chuyến đi thật dài, lâu lâu được chuyền cho chút cơm sấy khô hoặc vài ngụm nước cầm hơi lấy sức để ngủ và để ói. Tôi giận ông bà ngoại tại sao đẩy tôi lên đây ngồi yên không nhúc nhích cả tuần lễ không lời giải thích.
Đúng một năm sau tôi được định cư Canada và may mắn được gia đ́nh bảo trợ cho cắp sách tới trường. Nhờ vóc dáng nhỏ nhắn trông như em bé, các bạn cùng lớp không biết tôi là “thiếu nhi đứng tuổi” rất tҺươпg yêu hòa đồng.
Những năm đầu chưa thạo sinh ngữ được lên lớp đã vui lắm rồi, nhưng từ khi vào trung học tôi cố gắng tối đa nên thầy cô lúc nào cũng hài lòng và dành mọi quan tâm đặc biệt.
Có một lần cả gia đình đi mua sắm, tôi nhìn thấy con búp bê biết nhắm mắt mở mắt y hệt con của bé Tú em cùng cha khác mẹ của tôi.
Tôi cứ đứng ngây người nhìn tới khi ba má giục về mới quay đi lén quẹt hai giọt lệ vừa lăn trên má. Năm đó sinh nhật ba má tặng tôi con búp bê, thấy tôi vui mừng ôm con búp bê vào lòng ba má hỏi:
– Sao tuổi này rồi mà lại thích chơi búp bê đồ chơi con nít vậy?
– Thời còn bé con thấy bé Tú chơi con búp bê y hệt con này, con đã thầm ước được ôm nó một lần, được sờ vào mái tóc óng ả của nó.
Hôm nhìn thấy con búp bê con mừng lắm như thấy lại cả thời thơ ấu nơi quê nhà.
Những năm sau đó năm nào ba má cũng bảo tôi viết ước mơ quà gì cho sinh nhật. Năm nào tôi cũng viết không cần quà chỉ xin cho con đi học thành tài để có thể báo đáp ơn nghĩa ông bà ngoại, ba má và những người đã từng tҺươпg yêu giúp đỡ lúc con cơ cực.
Hôm nay ngoài niềm vui được cầm mảnh bằng Master loại ưu hạng trên tay tôi còn sửng sốt khi nhận ra người lên trao hoa cho tôi ngoài ba má nuôi còn có ông bà ngoại. Thì ra những mơ ước tôi viết mỗi năm không phải chỉ để đọc chơi cho vui mà ba má đã cố gắng biến nó thành món quà ý nghĩa cho tôi ngày tốt nghiệp.
Trời tháng giêng thật lạnh, tuyết rơi trắng xóa nhưng lòng tôi ấm áp vô cùng....
VietBF@sưu tập