Lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ hy vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ nới lỏng - hoặc ít nhất là không siết chặt - thị thực với lao động trình độ cao. Tuy nhiên, khó có thể đoán định điều gì sẽ xảy ra.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ chồng Phó Tổng thống J.D. Vance trong ngày 20/1 (Ảnh: Reuters).
Hôm 8/11/2024, ông Aaron Levie, Giám đốc điều hành công ty phần mềm lưu trữ đám mây Box, đăng tải trên mạng xã hội X nhận định rằng chính sách nhập cư đối với lao động trình độ cao của Mỹ "không đáp ứng nhu cầu của thị trường". Theo ông Levie, tỷ phú Elon Musk có thể góp phần giải quyết vấn đề này.
"Tôi đồng ý", Elon Musk trả lời.
Giới công nghệ Mỹ hy vọng lập luận về hiệu quả kinh tế sẽ có thể thuyết phục Tổng thống Donald Trump cho phép nhiều lao động trình độ cao nhập cư hơn. Tuy nhiên, những gì xảy ra dưới chính quyền Trump 1.0 cho thấy đây không phải điều dễ dàng. Vẫn còn quá sớm để khẳng định chính sách nhập cư với lao động trình độ cao của Mỹ sẽ thay đổi thế nào trong 4 năm tới.
Hy vọng của Thung lũng Silicon
Giới công nghệ hy vọng những ông lớn công nghệ nằm trong nhóm thân cận của ông Trump - những người có các nhân viên tài năng là người nhập cư - sẽ góp phần tác động tới chính sách của chính quyền mới.
Tỷ phú Elon Musk được coi là nhân vật có sức ảnh hưởng đáng kể đối với ông Trump trong những vấn đề chính sách. Công ty Tesla của ông có 724 nhân viên thuộc diện visa H-1B, vốn dành cho các lao động nước ngoài có trình độ cao mà nước Mỹ có nhu cầu.
Bên cạnh đó, ông chủ Meta Mark Zuckerberg, một trong những người vận động cải cách nhập cư, mới đây cũng đã tới dinh thự của ông Trump tại Mar-a-Lago để gặp mặt ông Trump. Meta cũng đã cam kết chi một triệu USD cho buổi lễ nhậm chức của ông Trump.
Bản thân ông Trump cũng từng nói về khả năng cải cách chính sách nhập cư tại Mỹ. Trả lời phỏng vấn một podcast hồi tháng 6, ông tuyên bố muốn giúp những người nước ngoài có trình độ giáo dục cao dễ dàng làm việc tại Mỹ hơn.
"Điều tôi sẽ làm là, nếu bạn tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ tấm bằng của bạn sẽ đương nhiên bao gồm thẻ xanh để có thể ở lại đất nước này", ông Trump tuyên bố.
Đội ngũ của ông Trump không phản hồi đề nghị bình luận của New York Times về chính sách thị thực và thẻ xanh đối với lao động trình độ cao. Tuy nhiên, những nhà quan sát ông Trump lâu năm tin rằng bất chấp quyết tâm trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy phép, ông không nhất thiết phản đối mở rộng cơ hội đối với những người có kỹ năng và làm việc hợp pháp tại Mỹ.
"Ông ấy không phải người theo chủ nghĩa hạn chế nhập cư", ông Mark Krikorian, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (CIS), tổ chức vận động cắt giảm số người nhập cư, nói. "Ông ấy chỉ là một đảng viên Cộng hòa bình thường tin rằng "thứ gì hợp pháp là tốt, thứ gì bất hợp pháp là xấu".
Tuy nhiên, trong khi giới lãnh đạo doanh nghiệp lập luận rằng nới lỏng hạn chế nhập cư với lao động trình độ cao sẽ tăng cường sức cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế, ông Trump đã áp dụng chính sách trái ngược trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Dù ông Trump đôi lúc nói về mong muốn thiết lập một hệ thống nhập cư dựa trên năng lực, tỷ lệ từ chối các loại visa cho lao động trình độ cao gia tăng. Hồi năm 2020, các loại visa do người sử dụng lao động bảo lãnh từng bị chính quyền Cộng hòa đình chỉ trong thời gian ngắn.
Ông Trump cũng yêu cầu gần một phần ba số hồ sơ ứng tuyển visa H-1B bổ sung thông tin, khiến quy trình cấp visa bị chậm lại, kể cả với các công ty giành được visa cho nhân viên.
Tương lai khó đoán
Trong nhiều năm qua, các công ty công nghệ đã vận động nới lỏng visa H-1B - vốn bị hạn chế ở mức 85.000 visa mỗi năm tài khóa. Với năm tài khóa 2025, 470.000 người đã ứng tuyển.
Các nghiên cứu cho thấy lao động nhập cư trình độ cao có tác động thuận đối với nền kinh tế Mỹ. Họ có thể nâng cao trình độ của những cộng sự người Mỹ. Bên cạnh đó, các công ty đòi hỏi lao động diện H-1B cũng thuê nhiều nhân công người Mỹ hơn, trong khi việc hạn chế thị thực có thể thúc đẩy các công ty chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Các quan điểm tại Washington tương đối đồng thuận rằng việc cải cách nhập cư sẽ có lợi cho nước Mỹ. Tuy nhiên, các nghị sĩ tại quốc hội thường kết hợp điều khoản này với các điều khoản thay đổi chính sách nhập cư với các gia đình và an ninh biên giới với mong muốn có đủ sự ủng hộ để có thể được thông qua. Tuy vậy, kế hoạch đó đến nay vẫn chưa thành công.
Theo bà Linda Moore, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của hiệp hội công ty công nghệ TechNet, với ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo và ngành sản xuất tại Mỹ, ông Trump có thể tìm cách thông qua riêng một điều khoản về lao động nhập cư trình độ cao - kể cả khi Nhà Trắng thực hiện chính sách trục xuất người nhập cư ở quy mô lớn.
Ngược lại, một số nhà phân tích cho rằng kịch bản này chưa phải là điều chắc chắn.
"Tôi nghĩ có khả năng việc nhập cư với người có trình độ cao sẽ được nới lỏng hoặc thay đổi phần nào. Nhưng tôi vẫn nghĩ đây sẽ vẫn là cuộc chiến đối với quan điểm hạn chế nhập cư, vốn chiếm phần lớn trong chính quyền", bà Shev Dalal-Dheini, giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ thuộc hiệp hội Luật sư Nhập cư Mỹ (AILA), nói.
Về phần mình, nhiều lao động trình độ cao từ Ấn Độ - quốc gia có nhiều người được cấp visa diện H-1B nhất thế giới - đã lo ngại về viễn cảnh phải thay đổi kế hoạch do không có được visa. Công dân Ấn Độ chiếm tới khoảng 75% số người đăng ký xét duyệt visa H-1B của Mỹ, bỏ xa nhóm thứ hai là người Trung Quốc (dưới 12%).
Chia sẻ với NBC News, một nghiên cứu sinh tiến sĩ 24 tuổi giấu tên tại New York cho biết cô phải sống trong mối lo ngại thường trực. Cô đang sinh sống tại Mỹ với diện visa sinh viên F-1. Tuy nhiên, cô lo rằng mình sẽ không còn cơ hội được cấp visa H-1B sau khi tốt nghiệp.
"Tôi lo lắng khi nghĩ về những thay đổi mà chính quyền mới sẽ thực hiện", cô nói.
VietBF@sưu tập