Doanh nghiệp, người mua nhà ở Mỹ lạc quan về khả năng Fed hạ lãi suất tuần này, dẫu vậy chuyên gia còn băn khoăn về mức độ giảm cần thiết.
Người tiêu dùng, mua nhà, doanh nhân và các chính trị gia ở Mỹ đã chờ đợi nhiều tháng việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lần đầu tiên hạ lãi suất cơ bản từ mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Kelly Mardis, Chủ công ty dịch vụ sơn sửa Marcel Painting ở Arizona, cho biết khoảng 25% doanh thu đến từ việc tân trang nhà. Nhưng khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022, khách hàng của ông giảm nhanh chóng. Thị trường nhà ở co lại khiến Mardis sa thải một nửa trong số 30 nhân viên, trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong 14 năm qua.
Với việc Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất vào 18/9, Mardis hy vọng tình hình sẽ cải thiện. Bởi lẽ, động thái này sẽ dẫn đến lãi vay mua nhà, ôtô, thẻ tín dụng và vay kinh doanh giảm theo. "Tôi chắc chắn 100% rằng điều này sẽ tạo ra sự khác biệt. Tôi rất mong đợi nó", Mardis nói.
Một khu kinh doanh đường phố gần Quảng trường Thời đại ở New York ngày 11/2/2021. Ảnh: Reuters
Brittany Hart, Chủ công ty tư vấn phần mềm ở Phoenix chuyên làm việc với các nhà môi giới cho vay, nhà quản lý tài sản và ngân hàng, nhận thấy nhiều khách hàng tiềm năng quan tâm đến việc sử dụng phần mềm mới để tăng hiệu suất. Lý do là họ kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ khởi sắc.
Hart đã bắt đầu tìm kiếm ba nhân viên mới để hỗ trợ khối lượng công việc dự kiến tăng, bổ sung vào đội ngũ hiện tại khoảng 20 người. "Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy thị trường nhà ở trở lại bình thường", cô nói.
Với người tiêu dùng Mỹ, Michele Raneri, Trưởng bộ phận nghiên cứu công ty giám sát tín dụng TransUnion, cho biết lãi suất thấp hơn giúp họ tái cấp vốn cho các khoản nợ lãi suất cao - chủ yếu là nợ thẻ tín dụng - sang các khoản vay cá nhân với chi phí thấp hơn. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ.
Thị trường nhà ở cũng được dự báo sôi động hơn. Lãi vay mua nhà cố định kỳ hạn 30 năm hiện là 6,2%, mức thấp nhất trong 18 tháng qua, theo Freddie Mac. Khi lãi suất thế chấp giảm xuống dưới 6% nhờ Fed nới lỏng, Raneri cho rằng giao dịch bất động sản sẽ tăng vì nhiều chủ nhà muốn bán hơn. "Điều này bắt đầu giải tỏa nút thắt mà chúng ta đang gặp phải với lượng nhà ở thấp", Raneri nói.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về cuộc họp của Fed tuần này. Họ sẽ giảm lãi suất xuống bao nhiêu từ mức 5,3% hiện tại? Liệu Fed sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong các cuộc họp tiếp theo vào tháng 11,12 và năm 2025? Liệu lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy một nền kinh tế đang tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chững lại hay không?
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường việc làm và đạt được "hạ cánh mềm" - kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng.
Kathy Bostjancic, Kinh tế trưởng tại Nationwide Financial, cho biết Fed hạ lãi suất thực sự giúp giảm chi phí vay. Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi liệu họ có hành động đủ nhanh để tạo ra "hạ cánh mềm" mà mọi người mong đợi không.
Một số nhà kinh tế mong Fed cắt giảm nửa điểm phần trăm thay vì một phần tư. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến thị trường lo lắng rằng Fed thấy triển vọng kinh tế tệ hơn thực tế. Gennadiy Goldberg, Trưởng chiến lược lãi suất tại TD Securities, cảnh báo việc cắt giảm 50 điểm cơ bản có thể khiến thị trường hiểu lầm rằng Fed đang lo ngại quá mức.
Ngoài ra, điều quan trọng không chỉ là lần cắt giảm vào thứ tư tới mà còn là tốc độ nới lỏng tiền tệ sau đó. Nếu Fed kết luận lạm phát đã được kiểm soát, lãi suất có thể cần được đưa về mức "trung lập" khoảng 3%, tức đòi hỏi loạt cắt giảm thêm.
Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ cần mức lãi suất thấp hơn nữa. Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại KPMG, lưu ý việc làm đã tăng trung bình chỉ 116.000 mỗi tháng trong ba tháng qua, tương đương tăng trưởng chậm chạp sau khủng hoảng 2008-2009. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gần một điểm phần trăm, lên 4,2%.
"Tình hình vẫn rất mong manh khi việc làm không tăng mạnh. Thị trường lao động yếu hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ", Swonk nói. Tuy nhiên, việc Fed cắt giảm lãi suất có thể mang lại cú hích quan trọng cho nền kinh tế vào thời điểm cần thiết nhất.
VietBF@sưu tập