Trong ngày 19/9, Alibaba công bố hơn 100 mô hình AI nguồn mở trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ công nghệ.
Những mô hình mới phát hành, còn được gọi là Qwen 2.5, được thiết kế để ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực từ ô tô, trò chơi điện tử cho đến nghiên cứu khoa học. Công ty này cũng cho biết, mô hình AI có năng lực nâng cao về toán học và lập trình.
Tập đoàn trụ sở Hàng Châu đang tìm cách cạnh tranh với đối thủ nội địa như Baidu, Huawei, cũng như những gã khổng lồ Mỹ như Microsoft và OpenAI.
Alibaba đang nỗ lực cạnh tranh với các công ty đồng hương trong lĩnh vực AI. Ảnh: CNBC
Các mô hình AI này đều được huấn luyện dựa trên lượng lớn dữ liệu. Alibaba nói hệ thống của họ có thể hiểu lời nhắc, tạo văn bản và hình ảnh.
Mã nguồn mở đồng nghĩa tất cả mọi người, bao gồm cả nhà nghiên cứu, giới học giả và công ty toàn cầu đều có thể sử dụng để tự tạo ra ứng dụng AI tạo sinh của riêng, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Alibaba kỳ vọng thu hút được nhiều người dùng mô hình AI do hãng phát triển.
Năm ngoái, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc lần đầu tiên ra mắt mô hình Tongyi Qianwen, gọi tắt là Qwen. Kể từ đó đến nay, công ty đã phát hành nhiều phiên bản cập nhật và cho biết đã đạt tổng cộng hơn 40 triệu lượt tải (với các model nguồn mở).
Alibaba cho hay, họ đã nâng cấp mô hình flagship độc quyền Qwen-Max, vốn không phải là mã nguồn mở. Thay vào đó, công ty bán các ứng dụng thông qua điện toán đám mây. Họ tự hào Qwen Max 2.5 Max đã vượt qua những đối thủ như Llama, Meta và GPT4 của OpenAI ở một số lĩnh vực như lý luận và hiểu ngôn ngữ.
Ngoài ra, công ty công nghệ cũng giới thiệu công cụ chuyển văn bản thành video mới dựa trên mô hình AI tương tự như Sora của OpenAI.
Alibaba là một trong những công ty điện toán đám mây lớn nhất tại Trung Quốc, nhưng trên phạm vi quốc tế, công ty này vẫn tụt hậu so với Amazon và Microsoft. Công ty này hy vọng rằng các dịch vụ AI mới nhất có thể thu hút khách hàng trong và ngoài Trung Quốc đăng ký dịch vụ đám mây.