Ủy ban đặc biệt về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 14/11 đề xuất hủy bỏ Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Trung Quốc.Ngày 14/11, lãnh đạo đảng Cộng hòa (Mỹ) chịu trách nhiệm về chính sách cạnh tranh với Trung Quốc đã trình dự luật nhằm chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Bắc Kinh.
Hạ nghị sĩ John Moolenaar (bang Michigan), Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đã đề xuất hủy bỏ Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Trung Quốc, một chính sách đã được duy trì trong hơn hai thập kỷ.
Các nghị sĩ của cả hai đảng ở Quốc hội Mỹ ngày càng lên án mạnh mẽ các chính sách thương mại của Trung Quốc, trong khi Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc từ thời chính quyền của người tiền nhiệm.
Gần đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất áp mức thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và dự luật của ông Moolenaar sẽ là bước tiến để tăng cường khả năng kiểm soát của Washington đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Moolenaar cho biết, vào năm ngoái, Ủy ban đặc biệt về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, với sự đồng thuận từ hai đảng, đã nhất trí rằng Mỹ cần phải điều chỉnh lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Dựa trên các mức thuế từ thời chính quyền Trump và Biden, Đạo luật khôi phục công bằng thương mại sẽ tước bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc với Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, hỗ trợ chuỗi cung ứng và đưa việc làm sản xuất trở lại cho Mỹ và các đồng minh.
Ông cũng khẳng định chính sách này giúp tạo ra sân chơi công bằng và giúp người dân Mỹ thắng thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Một dự luật tương tự đã được đưa ra tại Thượng viện bởi các Thượng nghị sĩ Josh Hawley (đảng Cộng hòa, bang Missouri) và ông Marco Rubio (đảng Cộng hòa, bang Florida), người vừa được thông báo sẽ là ứng viên cho chức vụ ngoại trưởng trong chính quyền của ông Trump sắp tới.
Dự luật sẽ hủy bỏ PNTR với Trung Quốc và không cho phép thực hiện bỏ phiếu hàng năm tại Quốc hội để tái xác nhận, một quy trình từng được áp dụng trước khi PNTR được thông qua vào năm 2000.
Dự luật của ông Moolenaar sẽ đưa thuế quan vào luật, đồng thời tạo ra một cột thuế quan mới dành riêng cho Trung Quốc, với lộ trình tăng thuế cho các hàng hóa không chiến lược và hàng hóa chiến lược nhập khẩu từ Trung Quốc.Ngoài ra, một số điều khoản khác trong dự luật sẽ cung cấp khoản thu từ thuế quan cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ bị ảnh hưởng nếu Trung Quốc đáp trả.
Mặc dù không có khả năng dự luật sẽ được thông qua trong phiên họp hiện tại của Quốc hội, nhưng đây sẽ là công cụ tạo sức ép cho chính quyền của ông Trump sắp tới trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Có nhiều khả năng dự luật sẽ được thông qua thuận lợi trong Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát vào năm tới.
PNTR, được thông qua vào năm 2000, đã mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc, giúp Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thời gian gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, khi các mức thuế ngày càng cao và những quy định ngày càng khắt khe hơn nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ và an ninh quốc gia.
|