Tại bệnh viện, có rất nhiều quy định mà bệnh nhân phải tuân thủ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình kiểm tra y tế. Ví dụ như: Nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm hoặc tháo bỏ trang sức trước khi chụp X-quang.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ thường thắc mắc: Tại sao bác sĩ yêu cầu cởi áo ngực khi chụp X-quang? Phải chăng đằng sau quy định này ẩn chứa những bí mật ít ai biết đến?.
Chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Máy chụp X-quang phát ra các chùm tia X có bức xạ cao. Các tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể dễ dàng, từ đó tạo hình ảnh. Các bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh này để chẩn đoán bệnh.
Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện và chẩn đoán các tình trạng bệnh lý như gãy xương, viêm phổi, khối u hay các bất thường trong cấu trúc cơ thể.
Việc chụp X-quang không gây đau đớn, thường chỉ mất vài phút. Đây cũng là một công cụ rất hữu ích trong y học nhờ khả năng chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng và độ chính xác cao.
Tuy nhiên, do có sử dụng bức xạ, bác sĩ sẽ hạn chế số lần chụp và khuyến cáo phụ nữ mang thai cần thông báo trước khi thực hiện để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Vì sao đi chụp X-quang cần cởi bỏ áo ngực, mặc áo chuyên dụng của bệnh viện?
1. Tránh nhiễu hình ảnh do kim loại trong áo ngực
Áo ngực thường có gọng kim loại, móc cài, hoặc dây đai chứa chất liệu kim loại. Khi tia X chiếu qua, các chi tiết kim loại này có thể gây nhiễu, che khuất hoặc tạo ra các bóng mờ không mong muốn trên phim chụp X-quang.
Điều này làm giảm độ rõ nét của hình ảnh, có thể dẫn đến chẩn đoán sai hoặc bỏ sót tổn thương. Việc cởi bỏ áo ngực giúp tối ưu hóa chất lượng hình ảnh, đảm bảo bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
2. Giảm nguy cơ tiếp xúc tia X không cần thiết
Mặc dù tia X trong y học thường có mức bức xạ thấp, tiếp xúc quá nhiều với tia X có thể gây hại, đặc biệt là đối với các mô nhạy cảm như tuyến vú.
Khi cởi bỏ áo ngực, bác sĩ có thể điều chỉnh chính xác vùng chụp, giảm thiểu việc tiếp xúc không cần thiết với tia X cho các mô xung quanh, giúp bảo vệ sức khỏe bệnh nhân.
Tóm lại, các bác sĩ vẫn thường khuyên người bệnh nên mặc quần áo thoải mái, không có chi tiết kim loại, để thuận tiện cho việc thay đổi trang phục. Tháo bỏ mọi trang sức, đồng hồ và các vật dụng kim loại trước khi chụp để tránh nhiễu hình ảnh.
Khi nào cần chụp X-quang?
Khi đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp X-quang để kiểm tra nhiều bộ phận trên cơ thể. Thông qua kết quả X-quang, bác sĩ có thể phát hiện nhiều vấn đề bên dưới đây:
1. Phát hiện vấn đề về xương
Gãy xương, nứt xương, nhiễm trùng xương, và loãng xương. Các bệnh lý về xương khác như khối u xương (có thể lành tính hoặc ác tính). Viêm khớp và các tình trạng thoái hóa khớp.
2. Kiểm tra răng miệng
Phát hiện các vấn đề như sâu răng, áp xe, răng lung lay và các bất thường về xương hàm.
3. Chẩn đoán bệnh cột sống
Vẹo cột sống (độ cong bất thường của cột sống), thoát vị đĩa đệm và các tổn thương liên quan đến cột sống.
4. Đánh giá phổi và các bệnh về hô hấp
Phát hiện nhiễm trùng phổi, viêm phổi, ung thư phổi và các bệnh lý khác liên quan đến hệ hô hấp.
5. Kiểm tra dị vật và đường tiêu hóa
Đánh giá khi bệnh nhân gặp vấn đề nuốt, nghi ngờ có dị vật trong đường tiêu hóa.
6. Kiểm tra tim mạch và ngực
Phát hiện các vấn đề như suy tim, tăng kích thước tim và các bệnh lý liên quan đến cấu trúc ngực.
7. Chẩn đoán ung thư vú
Chụp X-quang vú (mammography) để sàng lọc và phát hiện ung thư vú sớm.
Có thể chụp X-quang ở đâu?
Chụp X-quang là một kỹ thuật phổ biến và có thể được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế khác nhau. Một số bệnh viện nổi tiếng và uy tín mà bạn có thể đến để thực hiện chụp X-quang ví dụ như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM...
VietBF@ Sưu tập