Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.Nhiều thập niên qua, Mỹ đã duy trì sự hiện diện quân sự ở Trung Đông. Lực lượng Mỹ đồn trú tại hơn 10 quốc gia Trung Đông cũng như trên các tàu khắp vùng biển của khu vực này.
Sự hiện diện của Mỹ được mở rộng vào năm 2024 trong bối cảnh Washington tập trung vào việc ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran và mạng lưới “trục kháng chiến” của Tehran ở Trung Đông, bao gồm phong trào Hồi giáo Hamas (Dải Gaza), Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen) và một số nhóm chiến binh có vũ trang ở Iraq và Syria.
Kể từ khi Israel, một đồng minh của Mỹ, bắt đầu cuộc chiến với Hamas vào tháng 10-2023, lực lượng Mỹ ở Trung Đông thường xuyên trở thành mục tiêu của các nhóm thân Iran trong khu vực. Các tàu Mỹ đang phải đối phó các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Houthis gần như hàng ngày trên Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Hiện tại, khi căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang sau vụ lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Iran, các chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông, buộc Mỹ phải can thiệp sâu hơn vào khu vực.
Theo trang Council on Foregin Relatons, tính đến tháng 8, Washington có hàng nghìn binh sĩ đồn trú trong khu vực và có các cơ sở quân sự tại khoảng 19 địa điểm trải dài từ Bahrain, Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia, Syria, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.Hầu hết các căn cứ quân sự trong khu vực đều là thỏa thuận giữa Mỹ và quốc gia đặt căn cứ quân sự, ngoại trừ Syria - nơi lực lượng Mỹ bị chính phủ phản đối.
Qatar là nơi đặt trụ sở khu vực của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ. Bahrain là nơi có nhiều nhân sự Mỹ thường trực nhất và là nơi đóng quân của Hạm đội thứ năm Hải quân Mỹ.
Tính đến đầu tháng 8, Hải quân Mỹ đã có nhiều đội hình tàu chiến lớn hoạt động trong khu vực, bao gồm một nhóm tác chiến tàu sân bay và một nhóm tàu tấn công đổ bộ.
|