Lời cầu cứu của đầu bếp Afghanistan tới Thủ tướng Boris
Đầu bếp người Afghanistan làm việc 7 năm cho đại sứ quán Anh tại Kabul cầu cứu Thủ tướng Boris Johnson giúp gia đình thoát khỏi Taliban.
"Tôi vô cùng hoảng sợ. Chúng tôi không dám ra khỏi nhà 4 ngày nay. Mỗi âm thanh vang lên gần cửa đều khiến chúng tôi sợ mất mạng", Ahmad, người sống cách sân bay không xa nhưng sợ không dám tới đó cùng vợ và ba con, tuổi 22, 17 và 11, chia sẻ trong bài viết đăng trên Guardian hôm 20/8.
"Tôi rất tự hào khi làm việc với người nước ngoài, chúng tôi không thể ngờ có ngày lâm vào tình cảnh này", ông nói. "Chúng tôi hiểu Taliban rất tàn bạo. Họ sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng tôi vì đã làm việc cho chính phủ nước ngoài. Là một cựu nhân viên của đại sứ quán Anh trong 7 năm, tôi muốn Boris Johnson cảm nhận được áp lực mà chúng tôi đang đối mặt vì đã làm việc cho chính phủ nước ngoài. Chúng tôi đề nghị ông giúp đỡ hết sức. Xin hãy giúp chúng tôi rời khỏi đây".
Vợ của Ahmad bày tỏ nếu biết làm việc cho người Anh và người Mỹ "sẽ đặt cả gia đình vào tình thế nguy hiểm, chúng tôi sẽ không bao giờ làm việc cho họ".
"Con gái 11 tuổi của tôi khóc suốt. Tiếng súng thường xuyên vang lên bởi chúng tôi gần sân bay. Chúng tôi vô cùng lo sợ cho tương lai. Tôi đã mất ngủ 4 ngày nay", cô nói.
Ahmad ký hợp đồng với G4S làm đầu bếp cho đại sứ quán Anh từ năm 2007 tới 2014 trước khi chuyển sang một công ty an ninh hợp tác với người Mỹ. Ban đầu, ông chạy trốn tới vùng Takhar nơi bố mẹ đang sống, nhưng sau đó Taliban bị Taliban truy đuổi.
"Người ta đều biết tôi làm việc cho người nước ngoài. Họ đã tới nhà bố mẹ tìm tôi. Khi họ tới nơi, tôi đã kịp đi rồi", ông nói.
"Tôi rất sợ. Ở Kabul lúc này tình hình đang nguy hiểm và xấu đi. Con trai tôi nhìn thấy Taliban bắn vào ngực một nam thanh niên, khiến cậu ấy tử vong, do cậu ấy nhìn chằm chằm vào Taliban bởi họ nhìn khác mọi người khi để tóc dài và râu dài. Cậu ấy mới khoảng 20 tuổi".
Ahmad cho hay Taliban không quan tâm chuyện ông không phải nhân viên cấp cao hay không làm việc cho quân đội hoặc tình báo. "Bất kỳ ai làm việc với người Anh và người Mỹ đều được coi là làm việc cho kẻ thù, kẻ xâm lược", ông nói.
Ahmad là một trong số nhiều người mà Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 19/8 cho biết đang vô cùng hoảng sợ vì không thể đến sân bay. Nhưng Ahmad bày tỏ hy vọng "Anh là một quốc gia hùng mạnh. Nếu họ muốn, chúng tôi hy vọng họ sẽ tìm được cách giúp đỡ".
"Chúng tôi đã thử mọi cách để thoát ra ngoài nhưng bây giờ chúng tôi nhốt mình trong nhà. Tôi đang vô cùng lo sợ", vợ của Ahmad nói.
Ahmad cho hay Mỹ từ chối giúp đỡ vì ông ký hợp đồng lao động với nhà thầu phụ chứ không ký trực tiếp với công ty an ninh Mỹ. Ông biết tin qua Facebook rằng Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel đã đề nghị giúp đỡ những người Afghanistan dễ bị tổn thương, nhưng đặt câu hỏi làm thế nào mà quan chức Anh có thể xác định được những người như mình.
"Rất nhiều người cảm thấy bị đe dọa. Họ liên lạc với chúng tôi bằng cách nào? Chúng tôi rất sợ phải tiếp xúc với người khác. Thậm chí hàng xóm bây giờ cũng có thể trình báo chúng tôi với Taliban. Ai cũng biết chúng tôi làm việc cho chính phủ nước ngoài", ông nói.
Trường hợp của Ahmad đặt câu hỏi về tiêu chí mà chính phủ Anh đang sử dụng để sơ tán những người đang làm việc với mình và liệu họ có chấp nhận những người từng làm việc cho mình trước đó hay không. Hơn 100 nhân viên bảo vệ đại sứ quán Anh ở Kabul bị sa thải tối 14/8 đã được thông báo không đủ điều kiện để chính phủ Anh bảo vệ vì họ được thuê thông qua một nhà thầu phụ.
Karim Sharin, giám đốc chính sách của Hiệp hội người Afghanistan tại London, người đã sắp xếp buổi phỏng vấn với Ahmad và nhận nhiều cuộc gọi từ những người đang tuyệt vọng ở Afghanistan, cho hay việc sơ tán các nhân viên có trình độ từng làm việc cho chính phủ nước ngoài có thể dẫn tới một "thảm kịch thứ hai" cho quốc gia.
"Không ai tin vào sự đảm bảo của Taliban. Nếu họ rời đi, sẽ mất 20 năm để xây dựng lại lực lượng lao động có trình độ. Chảy máu chất xám sẽ được Taliban ưa thích vì nó giúp họ cai trị dễ hơn", Sharin nói.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho hay "chúng tôi đang nỗ lực hết sức để di tản các nhân viên Afghanistan đủ điều kiện cùng gia đình họ, những người muốn chuyển tới Anh sinh sống, và đảm bảo thực thi cam kết này. Đội ngũ hỗ trợ di tản ở Afghanistan do đại sứ chỉ đạo và các nhân viên ngoại giao, quân sự hỗ trợ, đang nỗ lực hết sức để đưa công dân Anh và cựu nhân viên Anh rời đi càng nhanh càng tốt". Thời gian áp dụng cho nhân viên là "không giới hạn".
|