Những cơn bão có thể gây ra rất nhiều thiệt hại về người và của trên diện rộng, vậy khi đã xác định được vị trí của một cơn bão, liệu có thể bằng cách nào đó tấn công vào đúng mắt bão để ngăn chặn hoặc phá hủy nó được không?
Bão có thể tàn phá trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về người và của ở nhiều quốc gia. Vì vậy, không ít người trên thế giới đặt ra câu hỏi là liệu có thể tấn công vào đúng mắt bão để phá hủy một cơn bão hay không?
Thực tế, trước đây từng có thông tin rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý thả bom nguyên tử vào bão để ngăn chặn chúng, theo trang Axios. Sau đó, ông Trump phủ nhận mình đưa ra gợi ý này.
Ông Dennis Feltgen ở Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ cho biết, ông nhận được nhiều e-mail đặt câu hỏi như trên, đặc biệt là trong mùa bão.
Siêu bão Yagi giật đổ cây cối khi đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Luo Yunfei/ China News Service/ VCG via Getty Images.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ đã từng trả lời trang CNN về vấn đề này, rằng những người gợi ý về việc tấn công mắt bão đều có một điểm chung: Họ không đánh giá đúng được quy mô và sức mạnh của một cơn bão, dù là bão bình thường chứ chưa nói đến bão cuồng phong hay siêu bão.
Cụ thể, theo trang The Washington Post (Bưu điện Washington), nhiệt ẩn mà một cơn bão tạo ra là một lượng năng lượng không thể tin được, hay như cách nói của ông Dennis Feltgen là “vô cùng lớn xét về mặt trải nghiệm của con người”. Nhiệt ẩn được giải phóng khi không khí ấm bốc lên, nguội đi và ngưng tụ thành những giọt nước hay các tinh thể băng.
Theo NOAA, ở bất kỳ khoảnh khắc nào, sức mạnh của một cơn bão Cấp 5 (sức gió duy trì từ 252 km/h trở lên) cũng ngang bằng một đầu đạn hạt nhân. Thế nên, dùng bất kỳ loại vũ khí nào để tấn công một cơn bão cũng chỉ như lấy trứng chọi với đá.
Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại rất lớn cả về người và của ở nước ta. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/ TPO.
Như vậy, việc dùng bom hạt nhân tấn công một cơn bão không những chẳng làm gì được cơn bão đó mà lại tạo ra một cơn bão phóng xạ. Tất cả mưa trút xuống sẽ nhiễm phóng xạ, nước ngập cũng vậy. Đấy là chưa kể đến phóng xạ trong nước biển. Trong trường hợp đó, con người không chỉ cần tránh mưa to gió lớn mà còn phải tìm cách tránh bụi phóng xạ nữa. Bụi phóng xạ còn bay đi theo gió, gây ảnh hưởng trên diện tích vô cùng lớn. Đó sẽ là thảm họa môi trường, theo NOAA.
Tóm lại, hiện tại không quốc gia nào dùng loại vũ khí nào để tấn công một cơn bão, không hẳn vì thiếu phương tiện, mà vì làm như vậy vừa không hiệu quả, vừa tạo ra nhiều rắc rối hơn.