Chị Nga nhớ lại bên cạnh thời gian học tiếng Đức vất vả cũng phải bỏ nhiều thời gian tập lái đường trường với thầy giáo trước khi đủ điều kiện thi bằng lái xe.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, một người Hà Nội đã sang định cư ở thành phố Leipzig (Đức) được 6 năm, kể lại về hành trình học lái xe khá gian nan của mình, nhân việc báo VietNamNet mở diễn đàn "Học lái xe: Làm sao để tránh bệnh hình thức?".
Chị Nga cho biết sau một hai năm đầu sang Đức sống, do nhà ở vùng ngoại ô nên nhu cầu sử dụng ô tô là rất cần thiết, chị quyết định học thi lấy bằng lái để không phải phiền chồng làm tài xế bất đắc dĩ.
"Tôi bắt đầu qúa trình học từ tháng 4/2019 và đến cuối tháng 11/2019 mới đủ điều kiện để thi thực hành. Trước đó phần thi lý thuyết không quá khó nếu học hành chăm chỉ và hiểu tiếng Đức", chị Nga kể lại.
Theo chị Nga, học và thi bằng lái ô tô ở Đức có hai vấn đề khiến người mới sang dễ "sốc". Đó là chi phí đắt đỏ và học vất vả, lơ mơ rất dễ trượt.
Lệ phí cho một lần thi áp dụng toàn quốc sẽ tốn khoảng 215 euro, tương đương gần 6 triệu đồng tiền Việt, trong đó thi lý thuyết tốn 55 euro và thi thực hành tốn 160 euro. Mức này gấp 10 lần lệ phí thi cấp bằng lái xe ở Việt Nam (khoảng 600.000 đồng, chưa tính chi phí học).
Tuy nhiên, chi phí để học lý thuyết và thực hành mới khiến học viên phải "hoa mắt". Chị Nga hoàn thành khóa học lý thuyết gồm 12 buổi đã tiêu tốn khoảng 250 euro (hơn 6,7 triệu VND) bao gồm sách và đĩa học.
Nhưng học phí này chưa thấm vào đâu so với mức học phí học thực hành lái xe. Đây cũng là quá trình học khắc nghiệt và đắt đỏ nhất để một người dân có được tấm bằng lái xe ở Đức. Ở thành phố Leipzig, học viên phải trả 30 euro/giờ học lái (khoảng hơn 800.000 đồng).
Theo quy định, học viên phải học đủ ít nhất 50 giờ mới được phép thi, tức là tối thiểu, mỗi người sống ở Đông Đức như chị Nga phải tốn khoảng 1.500 euro (khoảng hơn 40 triệu đồng) để hoàn tất điều kiện này.
Cộng thêm lệ phí đăng ký thi, mỗi học viên phải chi ít nhất là gần 50 triệu đồng cho 1 quá trình học và lấy bằng (con số này ở Việt Nam hiện nay là khoảng 10-15 triệu đồng cho bằng B2, PV), nhưng nếu lần thi đầu trượt thì lại quay trở lại vòng lặp tốn kém.
“Nếu trượt, bạn sẽ phải lập lại quá trình học lái xe đủ 50 giờ ôn luyện với thầy dạy lái kèm hóa đơn chi trả toát mồ hôi. Ở Đức, nếu học thi không cẩn thận và thi đi thi lại dễ tốn đến cả chục ngàn euro”, chị Nga cho biết.
Thông qua báo chí, chị Nga biết người Việt trong nước đang tranh luận khá nhiều về quy định học lái đường trường phải đủ 810 km. Chị Nga cho rằng quãng đường phải lái như vậy là còn ít so với thời gian chị học lái bên Đức.
Chị Nga kể, chế độ học lái thực hành tại Đức chỉ được phép học một kèm một, không có chuyện học ghép theo nhóm như ở Việt Nam, và thầy giáo cũng rất nghiêm khắc. Dù quy định tối thiểu chỉ cần học 50 tiếng lái trên đường là đủ điều kiện đi thi, nhưng quyền quyết định lại do thầy giáo.
"Do còn phải thi tiếng Đức nên lịch học của tôi một tuần là 3 buổi, mỗi buổi 45 phút. Trong 10 buổi đầu tiên là học làm quen số sàn và lái loanh quanh trong thành phố. Từ buổi thứ 10 trở đi sẽ được lái sang các thành phố khác và vùng lân cận. Sang buổi thứ 30 tôi mới được học lùi, đỗ xe và luyện thêm kỹ năng lái", chị Nga nhớ lại.
Điều khiến chị Nga nhớ nhất là sau 50 buổi học lái, chị mới được thầy giáo cho lái cao tốc, lái ban đêm. "Với người học nhanh thì chỉ cần 20 buổi là đã có thể đi thi, nhưng vì tay lái tôi kém nên phải học trên 50 buổi mới có thể kết thúc giáo án. Tổng số đường đã đi phải trên 2.500 km, tiền học thầy cũng mất gần 2.000 euro", chị Nga cho biết.
Tuy nhiên, nhờ được học rất kỹ theo kiểu "cầm tay chỉ dẫn" nên ngay sau khi lấy được bằng lái, chị Nga đã có thể tự tin lái chiếc BMW của gia đình ra phố và chồng ngồi bên cạnh hoàn toàn yên tâm.
Chị Nga cho rằng việc học kỹ, thầy nghiêm, đủ giờ, chạy xe nhiều giúp học viên dần quen các điều kiện môi trường, giao thông như ban ngày, ban đêm, trên cao tốc, đường nông thôn, đường vắng, đường đông... Mục đích là học xong, người dân có thể tự tin lái ra đường.
Điều này hoàn toàn khác với cách học trước đây ở Việt Nam, phổ biến là chỉ học đủ để đi thi, học viên chỉ học theo sa hình và luyện xe chíp trong sa hình, dẫn tới tình trạng nhiều người được cấp bằng nhưng không dám lái thật ngoài đường.
"Tôi vẫn nhớ trong những buổi cuối học với thầy giáo, mình vẫn mắc lỗi sơ đẳng là khi thấy một phụ nữ chuẩn bị băng qua đường ở chỗ đường dành cho người đi bộ. Chính ra tôi phải dừng lại, thì lại lái qua luôn, mặc dù cô ấy mới chuẩn bị bước chân xuống đường. Với lỗi như vậy khi thi sẽ bị trừ 5 điểm và khả năng đánh trượt cao vì gây nguy hiểm cho người đi bộ. Thầy đã chỉ ra điểm sai của tôi và từ những chi tiết đó, khi thi mình cẩn thận hơn. Đến khi có bằng rồi vẫn thuộc nằm lòng kỹ năng cơ bản của lái xe trên đường", chị Nga kể.
Ngay khi có trong tay tấm bằng lái, chị Nga cảm thấy hạnh phúc tột bậc. Chị thấy rằng có được bằng lái xe ở Đức không hề dễ dàng gì mà cả một sự dày công khổ luyện mồ hôi lẫn nước mắt, tiền bạc và thời gian. Rất nhiều người sau khi mất công khổ luyện giống chị và thi lần đầu tiên không đỗ, họ đã không thể giữ được cảm xúc mà phải bật khóc vì quá vất vả, bao công sức bỏ ra mà không được đền đáp.
VietBF@sưu tập