Nhiều người chơi tiền ảo Pi cho rằng mỗi đồng này sẽ có giá hàng nghìn USD, gây ra tranh cãi lớn trên các cộng đồng tại Việt Nam.
"Các nước khác đều đồng thuận giá Pi từ 100 đến 1.000 USD, tại sao chúng ta lại chấp nhận đồng Pi giá vài USD", thành viên Ngọc Tuấn nêu trên một cộng đồng Pi Network ởViệt Nam.
Người này kêu gọi mọi người trong nhóm đặt "giá đồng thuận" cho mỗi Pi từ 500 đến 1.000 USD và yêu cầu "không được phá giá".
Sau chưa đầy một ngày, bài viết của Tuấn thu hút gần 400 lượt bình luận. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều thành viên khác cho rằng người này đang đưa ra một con số phi thực tế. Khi được hỏi về nguồn gốc thông tin giá đồng thuận của các nước, Tuấn thừa nhận mình "nghe nói như vậy" chứ cũng không có bất cứ cơ sở nào để định giá.
"Mức giá đồng thuận Pi" trở thành chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng tại Việt Nam suốt thời gian qua, đặc biệt sau khi Pi Network thông báo về quy trình tiến hành khởi chạy chính thức (mainnet). Theo đó, trong giai đoạn đầu, người tham gia mạng lưới chỉ có thể trao đổi hàng hóa, sản phẩm với nhau bằng Pi, nhưng không được đổi Pi ra tiền pháp định.
"Giá trị quy đổi phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa hai người với nhau, gọi là giá đồng thuận", quản trị viên một cộng đồng Pi tại Việt Nam giải thích. "Ví dụ, một chiếc bánh có giá 3 USD. Nếu người bán và người mua đồng thuận giá trị mỗi đồng Pi là 1 USD, bên mua sẽ cần chuyển cho bên bán 3 Pi".
Thực tế, với hầu hết chủ sở hữu Pi trong nước, tiền ảo này có giá trị bằng 0 và không thể sử dụng để giao dịch. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trước những động thái của Pi Network về việc dự án này sắp khởi chạy chính thức và có thể trao đổi, nhiều người đào Pi vẫn kỳ vọng nó sẽ sớm có giá trị.
Trên cộng đồng Pi Việt Nam thời gian qua, không ít bài viết như của Ngọc Tuấn được đăng tải. Những người này dùng lý lẽ như "Pi ở nước ngoài có giá nghìn USD", "Pi sẽ thay thế Bitcoin"... để khẳng định đồng này có giá trị lớn và đưa ra những con số dự đoán như 100 USD, 314 USD hay 1.000 USD.
Một số thậm chí đăng ảnh chụp màn hình một website có giao diện giống trang thương mại điện tử, với hình ảnh chiếc ôtô hạng sang được niêm yết giá 300 Pi để chứng minh rằng giá trị của Pi có thể lên tới nghìn USD. Khi gặp phải ý kiến trái chiều, những người này cho rằng đó là những người "không hiểu gì về Pi", hoặc đưa ra những phân tích như "cá mập đang cố tình dìm giá để thu gom Pi".
Ở hướng ngược lại, nhiều người cho rằng cộng đồng đang đề cao giá Pi quá mức. "Có người hô hào đặt giá đồng thuận là 1.000 USD, nhưng khi tôi hỏi họ có muốn đổi 10 Pi lấy chiếc xe máy họ đang đi không thì không thấy trả lời", Thế Hải, một người đào Pi được gần hai năm, kể. Hải cho biết anh từng kêu gọi mọi người trong nhóm bớt ảo tưởng về Pi, nhưng nhận lại hàng chục bình luận và tin nhắn tiêu cực, thậm chí bị kêu gọi tẩy chay khỏi nhóm.
Trọng Dũng, quản trị viên một cộng đồng Pi, cho biết nhiều người đang nhầm lẫn giữa "giá kỳ vọng" và "giá đồng thuận" của Pi. Theo anh, ai tham gia cũng kỳ vọng đồng tiền này có giá cao, nhưng việc đồng thuận cần dựa trên thực tế.
"Chỉ sau khi Pi vào giai đoạn khởi chạy chính thức, đội ngũ phát triển mới thông báo về dự án cũng như cách thức quy đổi. Còn hiện tại, mọi nhận định về giá là không có cơ sở", Phiên Võ, quản trị viên một cộng đồng người dùng Pi Network khác tại Việt Nam, nhận định.
Ngày 17/12, đội ngũ phát triển Pi Network cho biết dự án sẽ khởi chạy chính thức trong năm 2021. Nhưng đến nay, đội ngũ Pi vẫn chưa có thêm bất cứ động thái mới nào. Nhiều người bắt đầu vỡ mộng vì không thể đổi Pi ra tiền thật như dự đoán trước đó.
Việt Nam là một trong những thị trường có số lượng người "đào" tiền ảo Pi lớn nhất thế giới, dù dự án này còn gây nhiều tranh cãi. Không ít người cho rằng Pi Network giúp người dùng có thể kiếm tiền điện tử miễn phí chỉ bằng việc vào điểm danh mỗi ngày trên ứng dụng điện thoại.
Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại dự án không mang lại giá trị, khiến người dùng tốn công sức và có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Pi thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, không công khai mã nguồn, không có lộ trình phát triển, còn ứng dụng smartphone yêu cầu nhiều quyền truy cập danh bạ của người dùng.