Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 15/9, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước.
Ngoài thiệt hại về người, theo Bộ này, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.
Các hộ trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là những đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu của cơ quan này, khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.
"Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại", Bộ trưởng Dũng nói, cho biết tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi.
Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%.
GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Do ảnh hưởng của bão, tình trạng mất điện, nước, thông tin liên lạc xảy ra trên diện rộng. Đến nay, một số địa phương vẫn còn ngập lụt, nguy cơ sạt lở cao khiến thiệt hại có thể nặng nề hơn.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, đường xá, cầu, hệ thống lưới điện, cấp nước, trường học... bị hư hại nghiêm trọng.
Trước thiệt hại do bão Yagi gây ra với nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Chính phủ Nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3 trong ngày 16/9. Các chính sách này nhằm ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cũng nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhóm chính sách giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Theo đó, ông yêu cầu ngành ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, khoanh nợ, tín chấp, gói lãi suất 0 đồng với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính được giao nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%. Vì thế, để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu tăng giải ngân đầu tư công, chống tham nhũng, trục lợi. Các bộ ngành đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi.
Các cơ quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích một số ngành, lĩnh vực có thể phát triển bứt phá như chíp bán dẫn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính...
|
|