Hiện tượng phát triển nhanh và mạnh của bão Francine cùng những cơn bão tiềm ẩn ngoài khơi Đại Tây Dương là chỉ dấu về hệ quả trực tiếp của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Sự phát triển và mạnh lên nhanh chóng thành bão cấp 2 của cơn bão nhiệt đới Francine được các nhà khoa học đánh giá là dấu hiệu rõ nét của sự nóng lên toàn cầu.
Bão nhiệt đới Francine đổ bộ vào miền Nam Louisiana hôm 11/9 (giờ địa phương) với sức gió lên đến 160 km/h đã gây ra lũ quét và mất điện diện rộng.
Lượng mưa ở New Orleans trong 24 giờ đã chạm ngưỡng tương đương mực nước mưa bang này thường nhận được trong một năm.
Tiến triển đột biến
Trước đó, các nhà dự báo cho rằng Francine sẽ chỉ là bão cấp 1. Tuy nhiên, cơn bão nhanh chóng tiến triển thành bão cấp 2 trong thời gian ngắn ngay trước khi chạm bờ biển.
Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là bão “tiến triển đột biến”, theo Guardian.
“Sức gió của bão nhiệt đới Francine tăng hơn 56 km/h chỉ trong 24 giờ, vừa chạm ngưỡng của sự tiến triển đột biến”, nhà khí tượng học Heather Zons cho biết. “Mọi thứ xảy chỉ một giờ trước khi nó đổ bộ vào đất liền”.
Các nhà khoa học cho biết sự gia tốc đột ngột như vậy của các cơn bão không phải mới song hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến do biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2023, tỷ lệ xuất hiện của sự tiến triển đột biến ở các cơn bão hiện nay cao hơn gần 30% so với giai đoạn trước năm 1990.
Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này được cho là xuất phát từ lượng khí đốt nhiên liệu hóa thạch tích tụ lại.
Hiện tượng tiến triển đột biến có thể đem tới những cơn bão mạnh hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với Francine.
Vào năm 2022, bão Ian đã phát triển thành bão cấp 5 trong khoảng thời gian ngắn và bất ngờ ngay trước khi đổ bộ vào Florida và khiến 149 người thiệt mạng. Đây cũng là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế từng tràn vào nước Mỹ, theo Guardian.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ xét riêng ở bắc Đại Tây Dương, số lượng bão tiến triển đột biến đã tăng gấp đôi.
Khi khí thải nhà kính giữ nhiệt lại trong bầu khí quyển, nhiệt độ nước biển cũng tăng lên đến mức kỷ lục. Sức nóng ở Vịnh Mexico, nơi nhiều cơn bão hình thành, đã gia tăng bất thường và góp phần tạo điều kiện giúp những cơn bão này tiến triển đột biến.
Hiện tượng này đặt ra thách thức cho những cộng đồng sinh sống và làm việc ven biển. Ngay cả những mô hình dự đoán tiên tiến của Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ nhiều lúc cũng không thể đưa ra cảnh báo kịp thời.
“Những cơn bão này phát triển từ bão cấp 1 thành bão lớn rất nhanh, khiến nhiều người không kịp trở tay”, nhà nghiên cứu Jennifer Collins thuộc Đại học South Florida cho biết.
“Nếu ngay từ đầu chúng ta cảnh báo rằng đây sẽ là một cơn bão lớn thì người ta có thể chuẩn bị để đối phó”, bà Collins nói thêm. “Nhưng nếu chỉ một ngày trước nó vẫn còn là bão nhiệt đới thông thường thì người ta sẽ nghĩ là họ còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ phức tạp hơn nhiều”.
Mùa bão Đại Tây Dương trở nên khốc liệt
Tốc độ phát triển của các cơn bão không phải là vấn đề duy nhất khiến các nhà nghiên cứu đau đầu.
Đầu tháng 8, giới quan sát thảo luận sôi nổi về sự tĩnh lặng hiếm hoi trên Đại Tây Dương trong khoảng thời gian đáng lẽ là cao điểm của mùa bão này.
Cụ thể, vào đầu năm, các nhà dự đoán đã cảnh báo rằng mùa bão Đại Tây Dương, được thống kê từ 1/6 đến 30/11, có thể hoạt động mạnh hơn nhiều so với thường lệ.
Tuy nhiên, kể từ sau bão Ernesto (bão số 5), Đại Tây Dương bỗng trở nên tĩnh lặng. Theo Phil Klotzbach, nhà nghiên cứu về hoạt động bão tại Đại học Colorado (Mỹ), tình trạng yên tĩnh kéo dài này lần đầu được ghi nhận kể từ năm 1968 tới nay.
Đến ngày 11/9, khi bão Francine tiến đến khu vực bờ biển Duyên hải Vịnh Mexico và một số cơn bão tiềm tàng khác có khả năng theo sau, báo hiệu mùa bão Đại Tây Dương trở nên khốc liệt hơn.
Các nhà dự báo hiện lưu tâm đến cơn bão tiếp theo ngoài khơi bờ biển châu Phi, có thể sẽ sớm trở thành cơn bão thứ 7 được đặt tên trong mùa bão năm nay. Nếu phát triển mạnh hơn, cơn bão này sẽ được đặt tên là bão nhiệt đới Gordon.
Bão được phân loại thành bão nhiệt đới khi sức gió đạt mốc 62,7 km/h và trở thành cuồng phong khi tốc độ gió chạm ngưỡng 119 km/h.
nữa được dự kiến sẽ di chuyển theo hướng qua Đại Tây Dương. Ảnh: New York Times.
Hệ thống có khả năng hình thành bão cao nhất hiện nay là áp thấp nhiệt đới số 7 đang ở ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi.
Trong 24 giờ tới, đợt áp thấp nhiệt đới nói trên có thể phát triển thành bão nhiệt đới với mức gió trên 62,7 km/h. Cơn bão dự kiến được đặt tên là Gordon này được dự đoán sẽ di chuyển về phía Đại Tây Dương trong vài ngày tới sau đó có thể chậm lại trước khi rẽ về hướng bắc, đông bắc hoặc tiếp tục về phía tây.
Một hệ thống bão yếu hơn cách bờ biển phía đông nam Mỹ vài trăm km có thể hình thành vào ngày 13/9 (giờ địa phương). Hệ thống này được dự đoán sẽ phát triển thành bão trong vài ngày tới.
Nhìn chung, những cơn bão đang hoạt động và các hệ thống thời tiết nhiễu loạn đang phản ánh khá sát dự đoán về một mùa bão khốc liệt trên Đại Tây Dương.
VietBF@ sưu tập
|